Màng chữa bỏng bằng... nước dừa


GS-TS Nguyễn Văn Thanh, TS-DS Huỳnh Thị Ngọc Lan và nhóm cộng sự ở trường ĐH Y Dược TPHCM nghiên cứu thành công màng sinh học chữa bỏng có chất lượng cao, giá thành rẻ.
Hình ảnh (từ phải sang, từ trên xuống) ghi nhận ứng dụng điều trị bỏng bằng màng Acetul rất hiệu quả. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.

GS-TS Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc điều trị những vết thương mất da, nhất là những tổn thương do bỏng hiện là một vấn đề nan giải của các thầy thuốc.

Nhu cầu rất lớn trong điều trị bỏng


Chỉ tính riêng tại Viện Bỏng Quốc gia, trung bình mỗi ngày Viện phải tiếp nhận, điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân bị các vết thương mất da do bỏng, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp. Chấn thương gây mất da, nhất là do bỏng thường làm gia tăng sự thẩm thấu nước, protein và các chất điện giải, dẫn đến tăng tiết dịch… càng làm gia tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng tại vết thương.

Một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình điều trị vết thương mất da, tổn thương do bỏng là sử dụng các loại màng che phủ vết thương. Một lớp màng có tác dụng như “bài thuốc” sẽ giúp cho vết thương hạn chế tình trạng bị nhiễm trùng, giữ được độ ẩm thích hợp, hạn chế tình trạng mất nước và chất điện giải tại bề mặt vết thương… qua đó sẽ giúp người bệnh bớt đau đớn, mau lành vết thương rút ngắn được thời gian điều trị.

Hiện nay có nhiều loại màng che phủ vết thương mất da nhập ngoại có chất lượng điều trị khá tốt nhưng giá thành không rẻ. Vì vậy việc nghiên cứu tìm ra giải pháp sản xuất một màng sinh học sử dụng cho những vết thương mất da do bỏng có chất lượng tương đương hàng ngoại, giá thành rẻ là một nhu cầu rất cần thiết.

Sản phẩm nội chất lượng cao


Xuất phát từ nguyên nhân này nhóm nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Văn Thanh đã quyết định bắt tay vào việc nghiên cứu tìm ra một loại màng sinh học “nội”. Nhóm xác định phải tìm kiếm các vật liệu rẻ tiền, dễ tìm ở trong nước. Sau nhiều nghiên cứu và khảo sát, GS-TS Nguyễn Văn Thanh đã chọn được một vật liệu khá độc đáo đó là nước dừa khô.

Vật liệu này là nguồn nguyên liệu để nuôi cấy vi khuẩn Acetobacter xylinum. Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm ra được quy trình tạo màng (loại màng cellulose thô) từ vi khuẩn Acetobacter xylinum. Màng cellulose thô còn được “phối hợp” với các hoạt chất tái sinh mô từ dầu mù u và tinh dầu tràm trà Úc. Màng thành phẩm đầu tiên được đặt tên là màng Acetul. Nhóm nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm được 10 lô, mỗi lô 1.500 màng.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Thanh, lý do chọn dầu mù u và tinh dầu tràm trà Úc làm 2 “bài thuốc” cho màng Acetul là vì tác dụng sinh học của dầu mù u có nhiều ưu điểm như kháng khuẩn, kháng nấm cao. Khoa Chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Y dược học dân tộc đã khảo sát, cho thấy các vết thương mất da, lộ xương đều nhanh chóng được che phủ khi bôi dầu mù u. Còn với tinh dầu tràm trà Úc có tính kháng khuẩn cao, phổ kháng khuẩn rất rộng, tính sát khuẩn cũng khá cao nên có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Màng thành phẩm Acetul đã được sử dụng thử nghiệm lâm sàng tại Viện Bỏng quốc gia. Kết quả ghi nhận là rất khả quan. Bước đầu ở 80 bệnh nhân (tự nguyện tham gia vào nghiên cứu) sau khi sử dụng màng Acetul, cho các vết thương bỏng nông đều, không có trường hợp bệnh nhân nào bị đau đớn, ngứa, nổi ban, rát trên da, không có sự thay đổi màu sắc bất thường trên da; cũng không có sự thay đổi về thân nhiệt, mạch, các chỉ số huyết học, sinh hoá của người bệnh trước và sau nghiên cứu. Ghi nhận tại vết thương thấy màng Acetul có khả năng che phủ tốt, bám dính vào vết thương, giúp vết thương mau lành. Việc sử dụng cũng tiện lợi do cách dùng đơn giản, dễ dàng lấy màng ra khỏi bao bì, cũng như khi lấy màng ra khỏi vết thương…

Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=499235#ixzz2CTy7BdoF
http://www.xaluan.com/