Chúng ta hãy bóc nhãn để xem những gì là giá trị thực sự bên trong một lọ thuốc.
1. “Chúng tôi khiến bạn hoa mắt với nhiều lựa chọn”
Theo một thống kê tại Mỹ, hiện có hơn 54.000 loại thực phẩm chức năng trên thị trường, được bán dưới 1.000 thương hiệu khác nhau. Trên thực tế, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận một cách rộng rãi thực phẩm chức năng như là một sản phẩm uống được có chứa một “thành phần dinh dưỡng”, có thể bao gồm vitamin, khoáng chất, thảo dược hoặc axit amin.
Hiện đây là ngành công nghiệp đang phát triển. Doanh thu đạt hơn 30 tỷ USD trong năm 2011, theo một báo cáo công bố hồi tháng trước của Văn phòng Chính phủ, tăng so với 25 tỷ USD trong năm 2009.
Phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn, làm thế nào người tiêu dùng có thể tìm thấy một sản phẩm an toàn? Heather Mangieri, một chuyên gia dinh dưỡng ở Pittsburgh đồng thời là phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và chế độ ăn Hoa Kỳ (Academy of Nutrition and Dietetics), cung cấp cho khách hàng của mình lời khuyên về thị trường này. “Hãy tìm kiếm các nhà sản xuất thực phẩm chức năng có ban cố vấn khoa học được liệt kê trên trang web của họ”, bà nói.
Một dấu hiệu nhận diện khác nữa là tem vàng “USP Verified” đóng dấu trên nhãn, thể hiện sản phẩm đã được tổ chức khoa học phi lợi nhuận Pharmacopeial Convention của Mỹ chứng nhận, một tổ chức kiểm tra chất lượng dược phẩm.
Khi vẫn nghi ngờ, bạn hãy gọi điện thoại trực tiếp cho nhà sản xuất từ những thông tin liên lạc ghi trên bao bì.
2. “Sản phẩm có thể được bán mà không cần FDA cho phép”
FDA quản lý thực phẩm chức năng, nhưng khác với thuốc theo toa và thuốc không cần kê đơn. Đối với dược phẩm nói chung, các nhà sản xuất phải chứng minh an toàn và hiệu quả trước khi sản phẩm mới tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thường không cần FDA chấp thuận trước khi sản xuất hoặc bán thực phẩm chức năng, miễn là các thành phần mà họ đang sử dụng được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung ở Mỹ trước khi đạo luật về y tế và giáo dục năm 1994 được thông qua.
FDA giám sát thực phẩm chức năng sau khi họ tung ra thị trường, và chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất báo cáo tất cả các tác dụng phụ nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ liên quan đến việc sử dụng các chất bổ sung của họ.
3. “Đánh giá thực phẩm chức năng bằng chính nhãn hiệu của nó”
Pháp luật Mỹ yêu cầu các thành phần trong thực phẩm chức năng được niêm yết trên bao bì theo thứ tự giảm dần ưu thế về hàm lượng. Tuy nhiên, vì lý do cạnh tranh, FDA không yêu cầu các nhà sản xuất liệt kê số liệu chính xác của các thành phần trong một “công thức độc quyền” trong mục “Thành phần” trên nhãn.
Tiến sỹ Tod Cooperman, chủ tịch của ConsumerLab.com, công ty kiểm nghiệm thực phẩm chức năng độc lập khuyến nghị rằng khi đọc nhãn thuốc, hãy tập trung vào các thành phần mà bạn muốn, và chắc chắn rằng nó được liệt kê một mình như là một thành phần riêng biệt trong danh sách các thành phần, không theo sau là từ “hỗn hợp” hoặc “công thức”
4. “Những lợi ích sức khỏe đang gây tranh cãi”
Trên bao bì, FDA cho phép các nhà sản xuất thực phẩm chức năng thực hiện cái gọi là công bố cơ cấu chức năng, trong đó mô tả cách một chất dinh dưỡng được thiết kế để ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng của cơ thể con người.
Trong khi FDA yêu cầu các nhà sản xuất có “bằng chứng khoa học có thẩm quyền và đáng tin cậy” cho thấy công bố của mình là đúng sự thật, tiến sĩ Margery Gass, một bác sĩ phụ khoa, cho biết hầu hết các công bố về thực phẩm chức năng không có căn cứ khoa học đằng sau chúng. Các loại nghiên cứu thường rất hiếm trong các ngành công nghiệp thực phẩm chức năng, theo báo cáo của Tổng Thanh tra. Hơn nữa, nhiều chất bổ sung thậm chí không có nghiên cứu trên con người để hỗ trợ bằng chứng của họ.
Steve Mister, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hội đồng Dinh dưỡng, nhận định, thực phẩm chức năng không thể được kiểm tra chính xác như ma túy. Các loại thuốc mới là “chất gì đó không ai từng có trong cơ thể của họ trước đây”. “Bạn không thể làm các loại thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho các sinh tố mà bạn có thể làm như đối với các loại thuốc”, Mister nói. Mặc dù vậy, ông lưu ý, “ngành công nghiệp của chúng tôi không nghĩ rằng trong một phút mà chúng ta có thể làm mà không có sự chặt chẽ khoa học”
5. “Không loại thuốc nào có thể thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh”
Một cách tiếp cận hợp lý để bổ sung thực phẩm chức năng là như thế này, Mangieri, chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Bạn hãy bắt đầu với một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, sau đó làm việc với một bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để kiểm tra xem cơ thể bạn có thiếu chất dinh dưỡng nào không, nếu cần thiết, lúc đó hãy sử dụng thực phẩm chức năng.
Đối với những trường hợp ngoại lệ như khách hàng đang muốn giảm cân, với chế độ ăn 1.600 calo hoặc ít hơn - có thể khó khăn cho họ để có được tất cả các dưỡng chất cần thiết thông qua thực phẩm, vì vậy cô thường đề nghị họ sử dụng một viên đa sinh tố.
Thật vậy, vitamin và khoáng chất không thể một mình tái tạo những ảnh hưởng của một chế độ ăn uống cân bằng, tiến sĩ Gary Deng, bác sĩ điều trị tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering nói. Chế độ ăn tốt nhất là “một chút cái này và một chút cái kia” và sự kết hợp của tất cả các chất dinh dưỡng có hiệu quả hơn những chất đơn lập, ông nói.
6. “Bạn cần một cái kính lúp để đọc cảnh báo của chúng tôi”
Trên bao bì thực phẩm chức năng, ở mục công bố cấu trúc chức năng phải đi kèm với một thông tin là những công bố này không được đánh giá bởi FDA. Song những thông tin này thường được in với những dòng chữ nhỏ li ti ở bên trên hoặc dưới cùng của chai hoặc gói.
Thậm chí, bạn phải khó khăn hơn để tìm thấy một số cảnh báo khác. Luật pháp yêu cầu thực phẩm chức năng phải an toàn cho “điều kiện sử dụng bình thường” và nhiều nhà sản xuất giải thích rằng điều đó có nghĩa là họ nên cảnh báo người tiêu dùng nếu sản phẩm của họ không phải dành cho tất cả mọi người, Mister nói. Ví dụ, nhiều chất bổ sung glucosamine được làm từ vỏ tôm, cua và tôm hùm, vì vậy người bị dị ứng với hải sản nên tránh chúng.
7. “Không có viên thuốc giảm cân kỳ diệu”
Khi đến khám lần đầu, các khách hàng của chuyên gia dinh dưỡng Mangieri thường được yêu cầu điền vào một bảng các loại thực phẩm chức năng họ đang sử dụng. Và danh mục các sản phẩm giảm cân này thường rất dài. “Mọi người đang tuyệt vọng”, cô nói. “Thật là đáng tiếc khi ném một đống tiền vào những sản phẩm mà không có hiệu quả”. Tất nhiên, không phải tất cả thực phẩm chức năng giảm cân đều giống nhau và một số có thể được ít nhiều hữu ích đối với những khách hàng khác nhau.
Mister nói thực phẩm chức năng giảm cân kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý có thể tạo ra một sự khác biệt. Một số sản phẩm có hàm lượng lớn chất xơ có thể tạo cho người uống cảm giác no, ông nói, và làm cho họ ăn ít hơn, trong khi thực phẩm chức năng khác có thể thúc đẩy sự trao đổi chất của người sử dụng lên một chút.
8. “Tự nhiên” không có nghĩa là “An toàn”
Thạch tín, nấm độc, thuốc lá …. là một trong số rất nhiều sản phẩm tìm thấy trong tự nhiên có thể gây nguy hiểm. Một số các chất bổ sung nổi bật nhất đã được nghiên cứu kỹ trong thập kỷ qua, trong đó có cây ma hoàng (ephedra), một loại thảo dược ở châu Á làm tăng huyết áp và ảnh hưởng tới tim. Thực phẩm chức năng có chứa chất này đã được bán trên thị trường cho những người giảm cân và các vận động viên. Nhưng sau khi có những báo cáo về các ca tử vong và kết quả sức khỏe xấu đi đối với những khách hàng sử dụng thực phẩm chức năng chiết xuất từ cây ma hoàng, FDA đã cấm sản xuất vào năm 2004.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, ngay cả vitamin và khoáng chất cũng có thể gây hại nếu sử dụng vượt quá mức cho phép. Thông thường, mọi người nghĩ rằng nếu họ sử dụng nhiều hơn liều được kê, họ sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
Ví dụ, về trường hợp sử dụng vitamin D quá liều. Các nhà nghiên cứu của Đại học Copenhagen đã nghiên cứu mẫu máu của gần 250.000 người Đan Mạch và thấy tỷ lệ tử vong cao hơn ở những người có mức vitamin D cao so với những người có nồng độ vitamin D thấp. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng canxi dư thừa có thể dẫn đến tăng nguy cơ bệnh tim và tử vong.
9. “Tăng cường hiệu quả có thể là do dược phẩm”
Điều này là vi phạm pháp luật khi cố tình đưa thuốc vào trong các thực phẩm chức năng. Một số ví dụ như: thực phẩm bổ sung để tăng cường hoạt động tình dục nam đã được phát hiện có chứa sildenafil citrate, một thành phần tích cực của Viagra, trong khi thực phẩm chức năng giảm cân được tìm thấy bị nhiễm độc với sibutramine, một thành phần được tìm thấy trong một loại thuốc được FDA phê chuẩn loại bỏ khỏi thị trường trong năm 2010 vì nó gây ra vấn đề về tim và đột quỵ.
Trong hầu hết các trường hợp vi phạm đều là cố ý và FDA đang cố gắng để ngăn chặn các vi phạm này, các chuyên gia nói.
Để tránh các rủi ro, Mister khuyên “Không nên mua thực phẩm chức năng từ một công ty trên internet mà bạn chưa từng nghe nói đến”
10. “Bác sĩ của bạn cần phải biết những gì bạn đang dùng”
Trong khi bệnh nhân thường nói với bác sĩ của họ những thuốc gì theo toa họ đang dùng, họ thường ít đề cập đến các chất bổ sung. Đây là một sai lầm, các chuyên gia nói.
Nhiều thảo dược bổ sung tương tác với thuốc theo toa người đang dùng. Ví dụ, sản phẩm thảo dược có thể làm giảm hiệu quả của hóa trị hoặc xạ trị ở những bệnh nhân ung thư, Barrie Cassileth, giám đốc của dịch vụ y tế tích hợp tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering ở thành phố New York nói. “Nó có thể tạo ra các vấn đề nghiêm trọng cho những người đã bị bệnh rất nặng”.
Thủy Tiên
Theo Trí Thức Trẻ/marketwatch