Ngày 27/11, nguồn tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết: loại vi khuẩn kháng thuốc New Delhi metallo-beta- lactamase (NDM1) mà thế giới cảnh báo là bất trị có thể đã xuất hiện tại Cần Thơ.
Qua điều trị 157 bệnh nhi tiêu chảy tại bệnh viện này đã phát hiện tỷ lệ kháng thuốc rất cao đối với các loại kháng sinh do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng cho các bệnh tiêu chảy, lỵ. Cụ thể như: thuốc Nalidixic acid bị kháng tới 85%, Cefotaxime và Ceftriaxone bị kháng 87,6 - 88,7% và Ampicilline bị kháng cao nhất đến 94,5%. Trong kiểu đa kháng kháng sinh của E.cili có loại đã kháng đến 8 loại kháng sinh.
Ngoài ra, ghi nhận có xuất hiện loại vi khuẩn Step.pneumoniae trong dịch phổi của các bệnh nhi bị viêm phổi do phế cầu, kháng nhiều loại kháng sinh… Những phát hiện trên đòi hỏi phải có nghiên cứu sâu hơn để có thể khẳng định mức độ nghiêm trọng của vi khuẩn siêu kháng thuốc.
BS. Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, qua thực hiện đề tài “Tìm hiểu tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây tiêu chảy ở trẻ em”, đã phát hiện tình trạng đáng quan ngại trên. Bác sĩ Tuấn khuyến cáo: Trước hết cần hạn chế sự gia tăng các loại vi khuẩn bằng cách không nên sử dụng kháng sinh tràn lan. Đặc biệt cần có chế độ quản lý kháng sinh chặt chẽ từ phòng khám - bệnh viện đến hệ thống bán lẻ phục vụ cộng đồng, vì người dân vẫn có thói quen tự mua thuốc uống (kể cả kháng sinh) khi bị bệnh.
Phạm Tâm
http://dantri.com.vn/suc-khoe/xuat-hien-benh-tieu-chay-viem-phoi-do-vi-khuan-sieu-khang-thuoc-667601.htm