Trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh tật, nếu ví những người thầy thuốc là chiến sĩ thì đạn dược của họ chính là các loại thuốc. Công nghiệp dược phẩm tuy doanh thu còn kém công nghiệp vũ khí nhưng vẫn là một ngành béo bở bất chấp khủng hoảng.
Con đường để một hợp chất đi từ phòng thí nghiệm ra thị trường dược phẩm phải trải qua sự sàng lọc đầy chông gai. Nhưng một khi thành công, nó có thể mang về hàng tỷ USD cho hãng dược.
Sự sàng lọc
Cũng giống như các công ty khác, để tồn tại và phát triển, các hãng dược luôn phải cho ra lò những sản phẩm mang lại lợi nhuận. Tuy vậy, vẫn có sự khác biệt ở chỗ kinh doanh dược phẩm có tính rủi ro rất cao.
Thí dụ, trong số 10.000 hợp chất được phát hiện, chỉ 1 hợp chất có thể trở thành thuốc thương phẩm được phê chuẩn lưu hành và phải mất 7-10 năm. Trong mỗi 20 loại thuốc được cấp phép, có chừng 3 loại mang về doanh thu đủ để bù đắp chi phí phát triển, 3 loại này chỉ có 1 loại đủ sức sản sinh tiền bạc bù trừ chi phí cho những hợp chất thất bại trước đó.
Điều này có nghĩa nếu một công ty dược muốn tồn tại phải tạo ra “quả bom tấn” (loại thuốc có thể sản sinh doanh thu tỷ USD) vài năm một lần. Một nghiên cứu của Công ty Tư vấn Bain & Company ước tính năm 2003 các chi phí cho việc khám phá, phát triển và tung ra một loại thuốc mới khoảng 1,7 tỷ USD.
Năm 2009, nghiên cứu và đầu tư trong ngành dược đã lập kỷ lục 65,3 tỷ USD. Tuy sàng lọc khắc nghiệt nhưng ngành dược vẫn là chiếc bánh ngon. Thí dụ tại Hoa Kỳ giai đoạn 1995-2010, chi phí nghiên cứu khoảng 34,2 tỷ USD, trong khi doanh thu tăng hơn 200 tỷ USD.
Thuốc “bản sao”
Cạnh tranh giữa các công ty dược phẩm đã dẫn đến những loại thuốc “bản sao”, tức là các hợp chất có thành phần hóa học hoặc cơ chế hoạt động tương tự như một loại thuốc đã được phê duyệt. Giới phê bình trong ngành công nghiệp dược phẩm cho rằng thuốc “bản sao” xuất hiện trên thị trường vì việc phát triển “bản sao” rẻ hơn và ít rủi ro hơn so với thuốc mới hoàn toàn.
Có thể mất 10 năm hoặc hơn để một loại thuốc đi từ phòng thí nghiệm tới giấy phép lưu hành. Và nếu một hướng đi lâm sàng mới được khám phá, nhiều công ty sẽ cùng lúc phát triển phương thuốc điều trị trong phạm vi hướng đi này, dẫn đến nhiều loại thuốc tương tự xuất hiện trên thị trường trong một thời gian ngắn.
Đây là lý do tại sao một số ý kiến cho rằng phần lớn hiện tượng thuốc “bản sao” thực ra là kết quả của việc nghiên cứu độc lập của các công ty đối thủ, đồng thời, sự cạnh tranh giữa những loại thuốc tương tự nhau sẽ kéo giảm giá bán trên thị trường.
Những thủ thuật
Ngành công nghiệp dược sản sinh lợi nhuậnhàng đầu.
|
Các hãng dược vun đắp mối quan hệ khăng khít và tế nhị với giới nghiên cứu dược phẩm. Ngoài việc nuôi đội ngũ nhân viên nghiên cứu riêng, các công ty dược còn rộng rãi hầu bao cho những nhà nghiên cứu có sự ưu ái sản phẩm của họ.
Hình thức tài trợ phong phú, như hỗ trợ kinh phí cho các hội nghị, hội thảo chuyên đề; hỗ trợ kinh phí cho phòng thí nghiệm... Đôi khi, bài giảng và thậm chí các bài báo của các nhà nghiên cứu học thuật thực ra là do công ty dược chấp bút.
Bên cạnh “củ cà rốt”, các hãng dược cũng sẵn sàng dùng “gậy” với những nhà nghiên cứu nào có ý định vạch trần vấn đề đạo đức của các cuộc thử nghiệm lâm sàng hay cố gắng xuất bản tài liệu cho thấy tác hại của loại thuốc mới hoặc những thuốc thay thế rẻ hơn. Đồng thời, các nhà sản xuất dược phẩm còn tìm cách né thuế.
Doanh thu khủng
Năm 2006, chi tiêu toàn cầu các loại thuốc theo toa đạt 643 tỷ USD bất kể tăng trưởng chậm lại phần nào ở châu Âu và Bắc Mỹ. Hoa Kỳ chiếm gần 1/2 thị trường dược phẩm toàn cầu với 289 tỷ USD doanh thu hàng năm, tiếp theo là EU và Nhật Bản.
Các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Mexico tăng trưởng mạnh mẽ 81%. Tăng trưởng lợi nhuận ngành dược được duy trì ngay cả khi các ngành công nghiệp hàng đầu khác tăng trưởng ít hoặc không có tăng trưởng.
Khảo sát hàng năm của Fortune 500 cho thấy ngành công nghiệp dược phẩm dẫn đầu danh sách các ngành có lợi nhuận cao nhất Hoa Kỳ, với lợi nhuận 17% trên doanh thu.
Thuốc cholesterol Lipitor của Pfizer bán chạy nhất trên toàn thế giới với doanh thu bán hàng 12,9 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với các đối thủ cạnh tranh như Plavix của Bristol-Myers Squibb và Sanofi-Aventis, Nexium, của AstraZeneca và Advair của GlaxoSmithKline.
Sau nhiều cân nhắc, một công ty có thể được cấp bằng sáng chế thuốc, được độc quyền thông thường trong khoảng 20 năm. Tuy nhiên, chỉ sau khi nghiên cứu và thử nghiệm kỹ lưỡng có khi phải mất 10-15 năm, các cơ quan chính phủ mới cấp phép cho công ty bán thuốc ra thị trường.
Bảo hộ sáng chế cho phép chủ sở hữu thời gian thu hồi vốn đầu tư nghiên cứu và phát triển thông qua việc bán thuốc biệt dược có lợi nhuận cao. Khi hết hạn bảo hộ bằng sáng chế, công ty cạnh tranh có thể nhảy vào phát triển và bán thuốc generic. Việc phát triển và lưu hành thuốc generic là ít tốn kém hơn nên chúng có thể được bán với giá thấp hơn.
Do đó, thường thì trước khi bằng sáng chế hết hạn, chủ sở hữu thuốc biệt dược sẽ giới thiệu phiên bản thuốc generic nhằm đi trước đối thủ một bước. Nhiều loại thuốc được tung ra vào “kỷ nguyên vàng” những năm 1990 đã đến lúc hết hạn bản quyền trong khi các công ty thiếu vắng những “thuốc bom tấn” mới để thay thế.
Từ năm 2008, các công ty dược phẩm đã tăng giá thuốc biệt dược để bù đắp sự sụt giảm doanh thu khi những loại thuốc biệt dược hết hạn bản quyền sẽ trở thành thuốc generic. Và tái cấu trúc hoạt động cũng trở thành yêu cầu sống còn đối với ngành dược phẩm.
Bảo Trúc
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/vietstock.vn/Beo-bo-cong-nghiep-duoc-pham-Khac-nghiet/10456553.epi