Lạm dụng thuốc gây chuyển dạ trên thai phụ: Có thể gây vỡ tử cung

Công văn của Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở sản khoa trên địa bàn không sử dụng Misoprostol gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống vì nguy cơ vỡ tử cung, suy thai.




Điều quan trọng nhất là thai phụ cần kiểm tra định kì để tiên lượng quá trình chuyển dạ.



Thuốc sử dụng phá thai

BS Nguyễn Đình Tời, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Phụ ngoại I, BV Phụ sản Trung ương cho biết, thuốc kích thích chuyển dạ thường được sử dụng để đặt âm đạo kích thích chuyển dạ trong trường hợp thai lưu, sảy thai hoặc phá thai tại các cơ sở y tế. Khi sử dụng thuốc này, các bác sĩ phải có những cân nhắc chứ không phải trường hợp nào cũng dùng được, vì thuốc có tác dụng phụ rất nguy hiểm, có thể làm vỡ tử cung, gây tử vong cho mẹ và con.

Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung – Trung tâm Y tế Thái Hà , việc sử dụng thuốc kích thích chuyển dạ như dùng con dao hai lưỡi. Sử dụng quá liều thì nguy hiểm, sử dụng ít thì không có tác dụng, nên người thầy thuốc phải biết cân nhắc thế nào cho hợp lý.

Cũng theo BS Dung, thuốc Misoprostol được kê rộng rãi trong phá thai nội khoa, chỉ định trong giới hạn chuyển dạ. Hiện nay thuốc Misoprostol lưu hành ngoài thị trường rất phổ biến. Khi sử dụng thuốc sẽ kích thích cơn co tử cung, nếu không theo dõi tốt thì sẽ dẫn tới vỡ tử cung hoặc vỡ những vết mổ cũ.

Với những trường hợp buộc phải sử dụng chất kích thích gây chuyển dạ, theo BS Dung, các bác sĩ cần phải theo dõi toàn bộ cuộc chuyển dạ, theo dõi sát cơn co tử cung, tim thai, độ lọt của thai nhi, các tác dụng phụ, tiến triển của cuộc chuyển dạ để đánh giá, tiên lượng, xử trí kịp thời. Đồng thời, các bác sĩ cần tư vấn cho sản phụ, gia đình hiểu rõ thời gian phải theo dõi chuyển dạ, sự xuất hiện những cơn đau do co tử cung, một số tác dụng phụ của thuốc để sản phụ và gia đình yên tâm, hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc.

Cảnh báo suy thai do thuốc

Bà Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự liên quan giữa những sản phụ tử vong do thuốc Misoprostol gây chuyển dạ trên thai phụ. Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng thuốc Misoprotol nhằm phòng tránh tai biến sản khoa và lạm dụng thuốc có thể xảy ra khi thực hiện gây chuyển dạ. Vì thế, Bộ Y tế đã có văn bản hạn chế chất kích thích chuyển dạ cho thai phụ.

Bà Lưu Thị Hồng cũng cho biết, việc gây chuyển dạ hoặc khởi phát chuyển dạ là sự tác động của thầy thuốc chứ không phải cuộc chuyển dạ tự nhiên để chấm dứt thai kỳ. Việc chờ đợi để cuộc chuyển dạ khởi phát tự nhiên luôn là chọn lựa tốt nhất. Khi có lý do thật rõ ràng buộc phải gây chuyển dạ để chấm dứt thai kỳ, thì phải tuân thủ hướng dẫn chuyên môn trong Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành năm 2009.
Misoprostol là thuốc thường được dùng kích thích chuyển dạ hiện nay, có tác dụng rất tốt trong việc làm mềm, mở cổ tử cung và gây chuyển dạ. Ngoài ra, Misoprostol còn có tác dụng kéo dài tới giai đoạn ba của quá trình chuyển dạ, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự cầm máu sau đẻ. Tuy nhiên, để phòng tránh tai biến sản khoa và lạm dụng thuốc có thể xảy ra khi thực hiện gây chuyển dạ, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo các cơ sở sản khoa trên địa bàn không sử dụng Misoprostol (biệt dược của Misoprostol được sử dụng thông dụng nhất hiện nay có tên là Cytotec) gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống vì nguy cơ vỡ tử cung, suy thai. Bộ Y tế cũng đề nghị, tuyệt đối không được lạm dụng thuốc tăng co tử cung để gây chuyển dạ.

Hà My - Tri Thường