Không dùng thuốc co mạch với thuốc long đờm
Thuốc co mạch và thuốc long đờm không phải là hai thuốc đối kháng nhau về mặt hóa học, nhưng chúng lại không thể dùng cùng nhau trong điều trị bệnh hô hấp. Vì cơ chế tác dụng của chúng khác nhau và mục tiêu điều trị không giống nhau.
Thuốc co mạch có tác dụng làm co mạch máu nhỏ bị giãn ở vùng viêm, một điều thường thấy khi viêm đường hô hấp trên. Mục tiêu làm giảm tiết dịch nhầy do đó làm giảm lượng đờm trong đường thở.
Trong khi đó, hoàn toàn trái ngược với thuốc co mạch, thuốc long đờm có tác dụng làm tăng tiết dịch nhầy theo nhiều cơ chế khác nhau. Chúng đồng thời tác dụng cả lên các cầu nối S-S trong đờm để làm lỏng đờm. Từ đó làm đờm dễ khạc ra. Tuy nhiên, có một điều là thuốc lại làm tăng lượng đờm.
Do mục tiêu hai thuốc này khác nhau cho nên không dùng chung vì nếu dùng chung thì dường như chúng ta lại làm chúng tự triệt tiêu nhau. Việc quyết định dùng thuốc nào hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Ví dụ, giai đoạn đang viêm cấp tính, dịch mũi họng chảy ra nhiều thì dùng thuốc co mạch lúc này là rất hợp lý thay vì dùng thuốc long đờm.
Hình ảnh trẻ bị viêm đường hô hấp.
Không dùng corticoid với thuốc long đờm
Tương tự trường hợp của thuốc long đờm và thuốc co mạch, thuốc long đờm và thuốc corticoid cũng không xung khắc nhau về mặt nhóm chức hóa học, nhưng chúng lại hơi trái ngược nhau trong mục tiêu tác dụng. Nếu chúng ta dùng lẫn, kết quả thu được có thể không như ý.
Bản chất tác động của thuốc corticoid trong điều trị bệnh hô hấp đó là ức chế sự di chuyển tập trung của bạch cầu vào đường hô hấp. Thuốc cũng có tác dụng ức chế hoàn toàn sự tổng hợp ra các chất trung gian hóa học của viêm và ức chế sự tác dụng của các chất này. Điều đó có nghĩa là corticoid vừa có tác dụng ức chế số lượng và hiệu lực của các chất trung gian hóa học của viêm, vốn là các nhân tố gây giãn mạch và tăng tiết dịch. Một cách gián tiếp corticoid làm cô đặc đờm và giảm tiết đờm.
Trái ngược với điều này, thuốc long đờm cố gắng làm cho nước đi vào đờm càng nhiều càng tốt và càng cố gắng làm lỏng đờm. Hai tác dụng này rõ ràng là trái hướng nhau khi dùng chung.
Lời khuyên là nên lựa chọn đúng thời điểm. Ví dụ như đờm của người bệnh có nhiều nhưng khạc mãi không ra, dùng thuốc long đờm đúng là rất hữu ích. Chưa xem xét dùng thuốc corticoid trong trường hợp này.
Không dùng thuốc long đờm vào ban đêm
Thuốc long đờm làm công cụ để làm loãng đờm, nhưng nếu dùng không khéo, có thể làm người bệnh từ chối dùng thuốc vì mất ngủ. Người ta thường nói là thuốc giảm ho long đờm, nhưng thực tế điều này không đúng chút nào.
Phải nhấn mạnh ngay rằng, thuốc long đờm không có tác dụng chống ho, mà ngược lại thuốc có tác dụng gây ho mạnh hơn và nhiều hơn. Do thuốc làm loãng đờm nên làm tăng khối lượng đờm trong đường thở. Điều này càng kích thích gây ho. Vả lại, thuốc làm tăng hàm lượng nước trong đờm nên các mảng đờm rất dễ bong ra càng dễ kích thích phế quản. Kết hợp hai điều này, cơn ho của người bệnh tăng rất cao. Ho nhiều hơn và mạnh hơn mục đích đẩy đờm ra.
Nếu dùng buổi tối trước khi đi ngủ thì báo hại cho người bệnh. Vì người bệnh chỉ có ngồi mà giữ ngực và thở. Không thể ngủ được. Vừa bị bệnh hô hấp đã khó ngủ lại thêm ho thì hầu như hết ngủ luôn. Nếu như thay vì làm loãng đờm mà phải đổi lấy một đêm trắng thì e rằng sẽ không có lần thứ hai người bệnh chấp nhận. Mục tiêu điều trị rất dễ bị hỏng.
Đừng vừa uống thuốc vừa ngồi gió
Có nhiều điều không nên kết hợp khi dùng thuốc hô hấp. Một trong các yếu tố điển hình nhất là ngồi gió và uống thuốc. Bởi vì điều này thực chẳng khác gì vừa dập lửa lại vừa đổ thêm xăng.
Đó là vì gió là một yếu tố ngoại lai có hại cho hệ hô hấp nhất. Có nhiều nguyên nhân: Gió làm nhanh khô đường thở do làm bay hơi hơi nước trên bề mặt niêm mạc hô hấp. Gió làm hạ nhiệt độ đường thở nên dễ làm co mạch. Gió đem đến nhiều vi sinh vật có hại. Do đó, gió thường không có lợi.
Nếu dùng thuốc điều trị bệnh hô hấp, bạn lại ngồi trước gió thì rõ ràng là điều không nên. Vì thuốc làm giảm bệnh được bao nhiêu gió lại làm nặng thêm phần vừa chữa được bấy nhiêu. Khi dùng thuốc điều trị bệnh hô hấp, chúng ta nên tránh gió, nhất là gió trực tiếp và gió thổi vào mặt.
Chớ dùng thuốc chống ho cùng thuốc ức chế men chuyển
Thuốc chống ho có nhiều cơ chế khác nhau để chống ho. Hiệu lực cuối cùng, thuốc làm giảm ho cho người bệnh. Nhưng nếu bạn dùng thuốc chống ho cùng với thuốc ức chế men chuyển thì đó là sai lầm.
Thuốc ức chế men chuyển là thuốc được dùng để hạ huyết áp. Chúng có tác dụng hạ huyết áp tốt, nhưng chúng lại có tác dụng thường gặp là gây ho, thậm chí là ho kéo dài ở người bệnh.
Một khi dùng thuốc chống ho tức là người bệnh có ho nhiều. Nếu tiếp tục dùng thêm thuốc ức chế men chuyển thì cơn ho càng trở nên dữ dội. Điều cần làm lúc này là bạn phải tăng liều thuốc chống ho hoặc phối hợp thuốc để công dụng mạnh hơn. Nhưng điều này lại không có lợi cho người bệnh chút nào. Cách khác hay hơn đó là đừng dùng thuốc ức chế men chuyển khi đang dùng thuốc chống ho. Nên chọn sang thuốc khác thì điều đó sẽ hài hòa hơn.
BS.Lê An Viên