Xiết chặt quản lý thực phẩm chức năng



Quản lý và kiểm tra TPCN hiện còn nhiều bất cập.  
 
NDĐT- Quảng cáo rầm rộ, quá mức về thực phẩm chức năng (TPCN) là thuốc chữa “bách” bệnh; người tiêu dùng hiểu lầm và dùng tùy tiện; hơn 90% doanh nghiệp dược đang chạy theo sản xuất, phân phối TPCN và chế phẩm TPCN...Tất cả cho thấy, hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam hiện chưa rõ ràng và còn nhiều bất cập.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc
Đó là tái khẳng định của Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), PGS-TS Lương Ngọc Khuê, tại hội thảo về “Vai trò của thực phẩm chức năng và công tác quản lý”.
TPCN xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng 10 năm nay và phát triển rất nhanh từ năm đến sáu năm gần đây. Hiện nay, Việt Nam đã có tới 10 nghìn sản phẩm chức năng các loại và hiện có gần một nghìn tám trăm doanh nghiệp kinh doanh loại sản phẩm này. TPCN là ranh giới “giao thoa” giữa thực phẩm và thuốc, giống thực phẩm về bản chất nhưng khác về hình thức, giống thuốc về hình thức nhưng khác về bản chất. Trong khi đó, việc lừa dối trong quảng cáo TPCN khiến nhiều người tin TPCN chữa được các bệnh nan y, nên không tiếc tiền sử dụng trong thời gian dài. Dĩ nhiên, bệnh ngày càng nặng và khi đến bệnh viện thì đã quá muộn. Rõ ràng, chỉ vì lợi nhuận mà các doanh nghiệp đã quên đi sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều người dân dễ dàng tin những lời “rỉ tai” của bạn bè, của người bán TPCN, nên tự ý sử dụng, mà không nắm được thông tin về bệnh học, cũng như sự tương tác giữa TPCN và thuốc, khiến việc điều trị không đạt được hiệu quả, thậm chí, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm, TS Trần Quang Trung cho biết, thời gian qua công tác quản lý TPCN còn nhiều bất cập. Nổi cộm là tình trạng kinh doanh đa cấp, lôi kéo nhiều người, thành phần tham gia tạo ra những kênh phân phối bát nháo, thậm chí lừa đảo. Với hình thức đa cấp, các “đại lý” dụ dỗ tuyên truyền người khác bằng cách thổi phồng công hiệu sản phẩm trị cả ung thư, HIV, trong khi có những sản phẩm chẳng khác gì ăn khoai, sắn… Đã đến lúc cơ quan chức năng phải nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản để quản lý cho tốt, ông Trung nói.
Khảo sát của Cục An toàn thực phẩm năm 2011 cho thấy, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có hơn 50% số người lớn sử dụng thực phẩm chức năng. Điều này cho thấy sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng toàn cầu trong thời đại hiện nay.
Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức được đúng công dụng của thực phẩm chức năng. Vì thế hoặc là họ ngại sử dụng hoặc sử dụng một cách thiếu khoa học. TPCN là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bên cạnh một số chế phẩm TPCN có chất lượng bảo đảm sự an toàn (đương nhiên phải dùng đúng cách, đúng liều lượng theo hướng dẫn), có nhiều chế phẩm giả trà trộn trên thị trường vừa bán rất đắt tiền vừa gây hậu quả bất lợi. Lấy thí dụ: sản phẩm là vitamin và chất khoáng, nếu nhà sản xuất đăng ký là thuốc thì sản phẩm đó phải bán trong nhà thuốc. Nhưng nếu đăng ký là TPCN (vì có thể tìm thấy vitamin và chất khoáng trong thực phẩm ăn uống hằng ngày cũng như trong thực phẩm chức năng, khi đã được bổ sung, thay đổi liều lượng nhằm hỗ trợ sức khỏe) thì chế phẩm vitamin và chất khoáng, phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (phải đăng ký và nêu rõ các tiêu chuẩn chất lượng cho người tiêu dùng biết).
Phó Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), ông Nguyễn Thanh Phong, bức xúc nói: Khi thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện có những sản phẩm thực tế công dụng là nâng cao sức đề kháng, nhưng lại quảng cáo chữa cả HIV, ung thư… Nếu như một người mắc bệnh ung thư, đáng lẽ phát hiện sớm họ có thể được điều trị bằng các phương pháp khoa học tiên tiến như: phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… giúp người bệnh kéo dài cuộc sống, thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Họ lại tin vào quảng cáo loại TPCN chữa ung thư… bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị. Tôi cho rằng, việc quảng cáo như vậy là một tội ác với người bệnh.
Thận trọng khi dùng thực phẩm chức năng
Nhờ quảng cáo rầm rộ, nhiều TPCN được xem là “thần dược” chữa bách bệnh. Thật ra đây là thực phẩm bổ sung, chỉ có tác dụng hỗ trợ và có rất nhiều hạn chế chứ không phải có tác dụng “thần kỳ”. Như có người uống “dầu cá” suốt cả năm với hy vọng giúp mỡ trong máu tốt, nhưng không ngờ khi khám sức khỏe thì bị rối loạn lipit đường huyết, tức mỡ trong máu, trong đó có cholesteron cao. Ở đây, người bệnh không biết dầu cá chỉ có tác dụng hỗ trợ, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu có chế độ dinh dưỡng không tốt, ăn quá thừa năng lượng như ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia rượu, hoặc người đó đã nhuốm bệnh gọi là tăng lipit huyết thì dù uống bao nhiêu dầu cá vẫn bị tăng lipit đường huyết.
Cũng cần lưu ý, thực phẩm chức năng vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ. Vì vậy, cần thận trọng trong sử dụng thực phẩm chức năng.
PGS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học nói: “Tôi thấy lo ngại việc quảng cáo TPCN chưa kiểm soát được chặt chẽ. Tình trạng quảng cáo tràn lan, thái quá về công dụng hoặc nhập nhèm giữa hỗ trợ và điều trị khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Thế nhưng, việc giám sát, xử lý còn nhiều bất cập.”
Theo bác sĩ Đào Thị Hoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong nhiều sản phẩm quảng cáo của TPCN nói về vitamin A, D cho phụ nữ có thai và trẻ em, trong khi với phụ nữ có thai và trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, dùng quá liều vitamin A, D rất nguy hiểm.
Bà Hoa cho biết, nếu dùng quá liều đưa đến thừa vitamin A có thể gây quái thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ sơ sinh thì bị tăng áp lực sọ não đưa đến lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hóa nhau thai ở thai phụ, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm.
Nếu dùng TPCN ngày uống một viên cần xem kỹ thành phần không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D, bà Hoa khuyến cáo.
Thực tế hiện nay, TPCN không bán theo kê toa mà bán qua tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm; một số công ty phân phối TPCN quảng cáo phóng đại gây ngộ nhận cho khách hàng về TPCN. Trong khi chờ các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát việc sản xuất, quảng cáo TPCN. Ngoài việc “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng chữa bách bệnh, nhiều người còn có thói quen sử dụng vô tội vạ các loại thực phẩm này với quan niệm “không bổ ngang thì cũng bổ dọc”.
Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng TS, BS Lê Danh Tuyên có lời khuyên: “Rõ ràng TPCN tác dụng là sử dụng vi chất dinh dưỡng để bổ sung, phục hồi, bảo đảm chức năng nào đó của cơ thể. Tuy nhiên, người dân cần phải biết, dù các vi chất dinh dưỡng, chất khoáng rất cần cho cơ thể, nhưng cần ở mức độ nhất định, không thể dùng quá liều. Người tiêu dùng nên hiểu đúng về TPCN để sử dụng hợp lý. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên phòng, chống bệnh tật bằng nhiều phương pháp như: xây dựng chế độ ăn cân đối, dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách (tránh ăn uống quá thừa năng lượng, cần ăn nhiều rau quả, trái cây...), vận động hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ, tránh nghiện rượu, thuốc lá, phòng các bệnh viêm nhiễm, có cuộc sống lành mạnh giúp thư thái, lạc quan, yêu đời.
HOÀNG ANH