Ngành đông dược thu hút doanh nghiệp đầu tư




Nhiều doanh nghiệp trong ngành dược đang chuyển hướng đầu tư vùng nguyên liệu thuốc đông dược.Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho rằng thị trường thuốc đông dược chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị của ngành dược.

Nhưng xu hướng ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang chữa trị bệnh theo phương pháp đông y, thị trường thuốc đông dược sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp đang đón đầu cơ hội để đầu tư phát triển mở rộng ngành này. Cụ thể, ông Minh cho biết, một doanh nghiệp thành viên của hiệp hội vừa được tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận cấp phép đầu tư trồng dược liệu ở 2 tỉnh này, vùng nguyên liệu đông dược ở tỉnh Bình Thuận lên đến 300 ha, diện tích đầu tư ở tỉnh Khánh Hòa đến 2.000 ha.

Tổng vốn đầu tư cho 2 dự án này ở mức 3.000 tỷ đồng. “Dự án đã bắt đầu triển khai giai đoạn 1, khi hoàn thành đây sẽ là vùng cung cấp dược liệu lớn nhất trên cả nước”, ông Minh nói.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trapaco cũng cho biết, công ty đã xây dựng nhà máy trên vùng nguyên liệu đông dược ở Sapa, tỉnh Lào Cai. Công ty đang nghiên cứu mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu để phục vụ cho việc bào chế thuốc của Traphaco.

Theo thống kê, hiện Công ty cổ phần dược phẩm OPC và Công ty cổ phần Traphaco là hai doanh nghiệp có tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm đông dược cao nhất trong số các công ty dược niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo Bà Vũ Thị Thuận, doanh số trong năm 2011 của Traphaco đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2010, 70% trong mức doanh số này là thuốc đông dược.

"Người tiêu dùng ngày càng tìm đến thuốc đông dược trong việc chữa trị bệnh hơn. Đây chính là tín hiệu tốt cho ngành đông dược phát triển trong thời gian tới", bà Thuận nói.
Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thị trường thuốc đông dược chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị của ngành dược, khoảng 0,5 % -1,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp sản xuất đông dược, trong đó 5 doanh nghiệp đã đạt chuẩn GMP-WHO, và hơn 400 cơ sở sản xuất nhỏ không có đăng ký.

Các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh mạnh do có nhiều tương đồng về số danh mục sản phẩm và giá bán sản phẩm ra thị trường. Đơn cử, hiện có khoảng 60 doanh nghiệp cùng sản xuất mặt hàng Kim Tiền Thảo và Hoạt huyết dưỡng não.


Theo TBKTSG