Dùng thuốc qua mũi: Lợi và hại

Mũi có nhiệm vụ ngửi và bảo vệ, yểm trợ chức năng thở bằng cách lọc, làm nóng và tạo độ ẩm cho không khí trước khi vào đường hô hấp. Do trong mũi có rất nhiều mạch máu với khả năng hấp thu khá cao, nên mũi có thể được dùng làm nơi đưa thuốc vào cơ thể. Nhưng ngoài một số ưu điểm, dùng thuốc qua đường mũi có nhiều giới hạn và có thể gây ngộ độc, đặc biệt là với trẻ em.
Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì mẹ mới sanh dùng dầu gió xức cho mình và làm dầu này dính trên mũi bé.


Ưu điểm

Trước hết, dùng qua đường mũi giúp thuốc cho tác dụng tại chỗ. Như bị nghẹt mũi, thay vì uống thuốc (thường gây tác dụng phụ có hại) mà chỉ nhỏ hoặc xịt thuốc vào mũi không thôi và cải thiện đường thở thì rất có lợi.

Hốc mũi được bao phủ bởi lớp màng nhầy mỏng có rất nhiều mạch máu. Do đó, thuốc có thể “đi” qua lớp tế bào đơn độc của màng nhầy vào thẳng mạch máu. Thường chỉ mất khoảng 5 phút để thuốc có phân tử cỡ nhỏ tạo ra hiệu ứng trị liệu. Đặc biệt, thuốc không bị chuyển hoá nơi ruột và gan như thuốc uống. Như thuốc Desmopressin trị đái tháo nhạt, đái dầm được bào chế dưới dạng bơm, xịt vào mũi để tránh bị phân huỷ khi đi qua đường tiêu hoá.

Một số loại thuốc dùng qua mũi có thể hấp thu vào trong huyết tương và cho tác dụng nhanh không khác gì dùng qua đường tiêm chích và nhanh hơn đường uống nhiều. Như thuốc Sumatriptan trị nhức đầu kiểu thiên đầu thống dùng qua đường mũi vừa cho tác động nhanh hơn vừa tránh bị phản ứng gây nôn khi uống thuốc dưới dạng viên.

Giới hạn

Đưa thuốc vào cơ thể theo đường mũi chỉ thích hợp cho những loại thuốc có tiềm lực cao (cho tác dụng điều trị với liều dùng thật thấp), vì chỉ có thể đưa được một lượng nhỏ vào hốc mũi qua dạng bơm xịt chứ không thể đưa lượng lớn như uống.

Những loại thuốc phải dùng thường xuyên và đưa vào cơ thể nhiều lần trong ngày không thích hợp với đường mũi vì có thể gây hại cho tế bào màng mũi khi dùng liên tục.

Ngoài ra, khó kiểm soát chính xác số lượng thuốc được hấp thu qua đường mũi. Vì thế, bệnh nhân dùng thuốc qua đường mũi có khi phải được tận tình hướng dẫn cách bơm xịt và hít thở đúng cách để thuốc không bị thất thoát.

Đáng lưu ý, thuốc dùng qua mũi có thể gây ngộ độc, đặc biệt là trẻ em nếu dùng không đúng.

Tác hại
Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì mẹ mới sanh dùng dầu gió xức cho mình và làm dầu này dính trên mũi bé.


Một loại thuốc dùng qua mũi đồng thời là thuốc thoa giảm đau dùng lâu đời chính là dầu gió, cao xoa (còn gọi là dầu cù là). Để có tác dụng thông mũi, sát trùng đường hô hấp và giảm đau, dầu gió hay cao xoa chứa nhiều loại tinh dầu bay hơi như tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu chương não (camphor), đặc biệt, một số dầu xoa có chứa thêm methyl salicylat, tinh dầu bạch đàn (tinh dầu khuynh diệp), tinh dầu thông…

Đã xảy ra tình trạng – không chỉ ở nước ta – dầu gió, cao xoa chứa tinh dầu bạc hà, tinh dầu chương não gây “nhiễm” đến chết người ở trẻ sơ sinh. Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì mẹ mới sanh dùng dầu gió xức cho mình và làm dầu này dính trên mũi bé.

Menthol, camphor có tác dụng kích ứng hô hấp trẻ sơ sinh, hít phải các chất này sẽ làm trẻ ngưng thở do suy hô hấp. Phụ nữ cho con bú cũng không nên dùng thuốc thoa chứa methyl salicylat vì thuốc có thể dính ở đầu vú, trẻ bú sẽ nuốt phải methyl salicylat và ngộ độc. Tóm lại, không nên dùng dầu gió, cao xoa, thuốc thoa có chứa tinh dầu cho trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú.

Một loại thuốc dùng qua mũi là thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch chống sung huyết nhằm trị nghẹt mũi, sổ mũi có thể trở thành tai hoạ cho trẻ nhỏ. Từ năm 1985 – 2012, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã xác định có 96 trường hợp trẻ từ một tháng đến năm tuổi bị ngộ độc vì các chế phẩm chứa chất co mạch là naphazolin.

Còn ở ta, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã cấp cứu cho một số nhũ nhi bị thở yếu, tay chân lạnh, tím tái vì được nhỏ mũi thuốc có chứa naphazolin.

Vì thế, đối với trẻ dưới tám tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết. Cũng vì tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà người lớn là bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không tự ý sử dụng bừa bãi.

Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch chống sung huyết dùng lâu dài có thể gây hiện tượng “bật lại” (rebound) tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Do vậy, người lớn bình thường không được dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết quá năm ngày.

Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=548733#ixzz2Mkz2ItLe
http://www.xaluan.com/