Bệnh nhân ngơ ngác vì giá viện phí mới


Từ ngày 1/8, nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt tăng giá viện phí. Trước đó từ ngày 16/7, Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức (ở Hà Nội) cũng đã tăng giá hầu hết dịch vụ. Tuy vậy, khi được hỏi đại đa số bệnh nhân không biết về vấn đề này.
Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện hạng 2 trực thuộc Bộ Y tế quản lý đã áp dụng giá viện phí mới cho 180 dịch vụ từ 16/7.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Việt Đức, trong số hơn 300 dịch vụ còn lại của bệnh viện chưa tăng giá chủ yếu là các phẫu thuật, chi phí lớn. Vì thế, đợt điều chỉnh lần này tỷ trọng thay đổi không nhiều, trong khi đó, bệnh nhân được hưởng nhiều lợi ích.
Lấy ví dụ dịch vụ nắn bó bột, trước đây chỉ quy định bó bột cán, chất lượng không tốt nên bệnh nhân thường thỏa thuận với bệnh viện mua bột liền để bó và tự bỏ tiền túi ra trang trải. Trong khi đó hiện nay, trong giá viện phí mới đã đưa bột liền vào dịch vụ nắn bó bột, bảo hiểm y tế sẽ chi trả từ 80 đến 95%, vì thế, bệnh nhân sẽ mất ít tiền hơn.
Một số mức tăng thấy rõ như hiện tại giá khám bệnh có điều hòa là 20.000 đồng, không có điều hòa là 18.000 đồng, trong khi giá khám cũ chỉ có 3.000 đồng. Tương tự giá một ngày nằm gường hồi sức cấp cứu, chống độc là 150.000 đồng có điều hòa và 145.000 đồng không có điều hòa (chưa tính chi phí máy thở) trong khi trước đây chỉ có tối đa là 12.000 đồng.
Bảng giá thu một phần viện phí được dán tại Bệnh viện K vẫn là giá cũ, dù bệnh viện này đã tăng giá nhiều dịch vụ từ 20/7. Ảnh: Nam Phương.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt (hạng 1) trực thuộc Bộ được áp mức giá tối đa trong khung.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện thì cơ sở áp dụng khung giá mới từ 16/7, điều chỉnh toàn bộ 447 dịch vụ y tế. Bệnh nhân nhập viện trước thời điểm này vẫn được thu theo viện phí cũ nhưng người vào trong và sau ngày 16/7 sẽ thu theo viện phí mới. Giá khám bệnh được thu ở mức tối đa là 20.000 đồng/lần, tiền giường 70.000 đồng/ngày/người.
Ông Hiền nhận định với chính sách viện phí mới, bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ không bị tác động nhiều nhưng người không có thẻ thì sẽ phải trả số tiền tương đối lớn. Ví dụ, bệnh nhân sinh mổ trước kia chỉ thu 390.000 đồng nhưng theo khung giá mới sẽ lên đến 1,5 triệu đồng.
Ngoài Bạch Mai và Việt Đức, 3 cơ sở y tế lớn khác cũng trực thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện K, Huyết học và Ttruyền máu Trung ương, Việt Nam - Thụy Điển ở Uông Bí (Quảng Ninh) đều đã áp dụng giá viện phí mới.
Một số tỉnh, thành phố phê duyệt giá xong và đi vào thực hiện là Bắc Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Sóc trăng, Vĩnh Long, Gia Lai, Hậu giang, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Ninh Thuận... Các bệnh viện thuộc Hà Nội và TP HCM thì đang đợi để trình HĐND trong kỳ họp tới.
Khảo sát của phóng viên VnExpress.net ngày 31/7 tại một số bệnh viện đã áp dụng khung giá viện phí mới cho thấy rất nhiều người bệnh không hề biết hay nghe nói đến việc này.
Tại Bệnh viện K, trong khu vực thanh toán viện phí, bảng giá dịch vụ y tế được dán ngay cạnh cửa, người bệnh có thể nhìn dễ dàng. Tuy nhiên, đây vẫn là bảng giá viện phí cũ dù thực tế bệnh viện này đã áp dụng khung giá mới từ 20/7.
Tại Bệnh viện Việt Đức, khu vực thanh toán viện phí cho cả bệnh nhân có hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế đều đã dán bảng giá viện phí được điều chỉnh ở phía trên. Tuy nhiên, phần lớn người nhà bệnh nhân không ai để ý ngước lên đọc.
Anh Minh, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang đưa vợ lên cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức hôm 26/7 chia sẻ: "Mình là người bệnh đi khám, bệnh viện bảo nộp bao nhiều thì nộp thôi, chứ cũng chả cụ thể là viện phí tăng hay giảm bao nhiêu. Vào viện nộp một khoản gọi là tạm thu viện phí 5 triệu đồng, rồi hằng ngày làm thêm dịch vụ gì thì lại xuống nộp tiền, sau này ra viện, bảo hiểm chi trả bao nhiêu thì bệnh viện sẽ trả lại mình".
Bảng giá dịch vụ y tế mới được niêm yết ngay trên cửa khu thanh toán viện phí của Bệnh viện Việt Đức, nhưng rất ít bệnh nhân để ý Ảnh: Nam Phương.
Cầm trên tay 3 tờ biên lai thu tiền nhưng thực sự anh không để ý xem những dịch vụ này giá bao nhiêu, có tăng so với trước hay không. Đợt trước vợ anh bị chấn thương bụng vào cấp cứu, không có bảo hiểm nên phải chi trả cả, còn lần này anh đã mua bảo hiểm y tế cho vợ.
Trong hóa đơn hơn 400.000 đồng anh vừa nộp cho bệnh viện, ngoài tiền thuốc, vật tư thì tiền giường nằm một ngày trong phòng hồi sức cấp cứu của vợ anh là 200.000 đồng (trong khi trước đó giá tiền giường chỉ là 12.000).Cũng như vậy, khi được hỏi hầu hết bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai đều không hề biết giá viện phí đã tăng. “Tôi lớ ngớ từ quê ra đây chữa ung thư dạ dày, bác sĩ bảo đóng bao nhiêu thì mình đóng. Cũng không thấy họ nói gì về tăng giá các loại dịch vụ. Thành thử có tăng so với lần khám trước cũng không biết đâu mà thắc mắc”, ông Nguyễn Văn Trào (55 tuổi, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nói.
Tại khoa chạy thận nhân tạo là nơi bệnh nhân đến viện thường xuyên nhưng tất cả họ đều khá ngạc nhiên khi biết bệnh viện đã thiết lập khung giá viện phí mới.
Bà Nguyễn Thị Minh (55 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đi chạy thận từ năm 2007, vì thuộc hộ nghèo nên chỉ phải trả 5% viện phí. Do đó, trung bình mỗi tháng tôi hết từ 450.000 đến 500.000 đồng. Tháng này chưa phải trả tiền nên cũng không biết sẽ tăng lên bao nhiêu nhưng hi vọng tăng ít vì tôi cứ ra vào viện như cơm bữa”.
Tuy nhiều loại dịch vụ tăng giá nhưng chất lượng dịch vụ chưa cải thiện là bao. Theo phản ánh từ phía người nhà bệnh nhân thì vẫn còn chuyện nằm giường ghép 2, nhân viên y tế thiếu giúp đỡ. Đặc biệt tình trạng xếp hàng chờ khám vẫn còn diễn ra.Theo quy định điều chỉnh giá viện phí lần này, các bệnh viện phải trích lại một khoản để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sau này Bộ Y tế và các Bộ chắc chắn sẽ đi kiểm tra. Trong giá khám bệnh đã tính cả tiền mua sắm thay thế bàn, dụng cụ khám bệnh, bộ nào cũ thì phải thay, giường bệnh thì phải có chăn ga, gối, đệm, quần áo cho bệnh nhân, các bệnh viện phải cung cấp.
"Nói như thế không có nghĩa là hôm nay thực hiện tăng giá ngày mai bệnh viện phải mua luôn mà mua dần. Bộ Y tế dự kiến sau nửa năm sẽ đi kiểm tra, nếu thấy khu vực khám bệnh nào chưa đạt yêu cầu thì khả năng sẽ phải hạ giá xuống", ông Nam Liên nói.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết đến nay đã có 42 tỉnh/thành phố được thông qua giá viện phí mới, nhưng không ít địa phương xây dựng giá theo khung tối đa của Bộ Y tế, chưa căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, điều kiện về cơ sở vật chất và khả năng thực hiện các dịch vụ y tế tại cơ sở...
Ngoài ra, cũng theo ông, với các bệnh viện tuyến trung ương, trực thuộc Bộ cũng đang nảy sinh một số bật cập trong việc xây dựng giá. Nhiều bệnh viện xây dựng kiểu “con nhà giàu”. Chẳng hạn, bác sĩ thường không đi găng tay trong khi siêu âm nhưng cơ cấu xây dựng giá dịch vụ siêu âm tại một số bệnh viện lại gồm 2 đôi găng cho một lần siêu âm. Có nơi lại xây dựng cứ 2 bệnh nhân là thay 1 đôi găng tay, hoặc một số nơi đề xuất mỗi bác sĩ sẽ thay mũ, khẩu trang khoảng 4- 5 lần trong ngày, nhưng thực tế thì họ chỉ đeo 1 khẩu trang, 1 mũ trong suốt buổi sáng…
“Nếu đệm bọc da trong bàn khám mà một năm thay một lần thì cũng khá lãng phí. Hay như một bộ bàn ghế trang bị cho phòng khám nếu cơ sở y tế tính tiêu hao là 25%/năm, tức là 4 năm sẽ thay mới thì cũng hơi sang”, ông Phúc nói.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ có văn bản gửi đến các bệnh viện yêu cầu có sự điều chỉnh cho hợp lý.
Nam Phương - Phan Dương
Nguồn : vnexpress.net