Thuốc nội bị chê ở bệnh viện tuyến trên!


Mặc dù thuốc nội có thể đáp ứmg hơn 70% hoạt chất thuộc danh mục thuốc thiết yếu nhưng càng ở bệnh viện tuyến trên, thuốc nội càng lép vế so với thuốc ngoại (chiếm đến gần 90% số tiền mua thuốc của bệnh viện).

Người dân tham quan gian hàng thuốc Việt tại hội nghị sáng nay. Ảnh: H.Hải
Người dân tham quan gian hàng thuốc Việt tại hội nghị sáng nay. Ảnh: H.Hải
 
Sáng 20/8, tại Diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc VN” tại Trung tâm hội nghị Quốc Gia (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố con số đáng mừng trong lĩnh vực dược, đó là Việt Nam đã sản xuất đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Số thuốc trong nước có đăng ký tại Cục Quản lý dược là trên 13.000 loại, bao trùm 29 nhóm tác dụng dược lý như thuốc chống ung thư, chống độc, huyết thanh miễn dịch, tim mạch, chống dị ứng, gan mật, kháng HIV, thuốc đường hô hấp... đáp ứng hơn 70% (234/314) hoạt chất thuộc danh mục thuốc thiết yếu.
 
Tuy nhiên, thuốc ngoại hiện vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là ở các tuyến trung ương. Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, trong năm 2009, tổng giá trị thuốc ngoại nhập của bệnh viện công lập chiếm 61,8%, còn lại là thuốc nội. Trong đó, riêng các bệnh viện tuyến trung ương, thuốc ngoại chiếm tới gần 90% còn tại bệnh viện tuyến huyện, thuốc nội có phần nhỉnh hơn (61,5%).
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc thuốc nội lép vế có phần nguyên nhân do người dân chuộng thuốc ngoại. “Có tới 70% người dân và hộ gia đình tự ra quầy thuốc mua thuốc điều trị”, Bộ trưởng nói. Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho rằng, để thuốc nội đến được với người bệnh thì bác sĩ kê đơn có vai trò quan trọng. “Bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic tương đương sinh học với thuốc gốc mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị”.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc ngoại và nội tại các tuyến dưới có thể không chênh lệch nhiều nhưng về giá trị thì thuốc ngoại nhiều hơn gấp đôi thuốc nội. “Thuốc nội dù được sử dụng nhiều (gần 50%), nhưng đại đa số là các thuốc thông thường như kháng sinh đường uống, thuốc bổ đường uống, dịch truyền… nên số tiền chi cho thuốc nội không nhiều, khoảng 205 triệu trong năm 2011, trong khi đó giá trị thuốc ngoại chiếm hơn một chút nhưng số tiền chi đến 457 triệu đồng”, heo ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh), giải thích.
 
Ông Tiệp cũng lấy ví dụ về nhiều loại thuốc sản xuất trong nước sử dụng hiệu quả, giá thành rẻ hơn rất nhiều với thuốc ngoại. Ví như với bệnh viêm loét niêm mạc dạ dày, nếu bác sĩ kê thuốc ngoại sẽ mất khoảng 310 ngàn/7 ngày điều trị, trong khi đó, thuốc sản xuất trong nước chỉ hết 96.572 đồng.
 
“Thực tế tôi thấy người bệnh ở thành phố phải è cổ gánh tiền thuốc hàng triệu. Nhưng ở tuyến huyện, tiền thuốc ít hơn rất nhiều, chỉ bằng khoảng 1/3 so với thành phố. Cùng là viêm phổi trẻ em, điều trị thuốc ngoại hết vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu nhưng cũng với 5 ngày tiêm ven dùng thuốc nội, trẻ con ở quê hầu như không không mất tiền vì thuốc được BHYT chi trả. Nếu cứ điều trị viêm phổi như trẻ em thành phố, họ sẽ mang con về ngay vì điều trị đắt đỏ quá”, một bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Trung tâm y tế huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc tâm sự.
 
“Thói quen chuộng thuốc ngoại của các thầy thuốc và người dân là quá tốn kém, trong khi hiệu quả của thuốc sản xuất trong nước là tương đương. Vì thế Bộ Y tế xây dựng đề án vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn 2012 - 2015. Sau khi lấy phiếu góp ý đề án, chúng tôi sẽ thông qua”, Bộ trưởng Tiến nói.
Mục tiêu của đề án nhằm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở, phòng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng trong và ngoài câp lập trên thị trường từ trung ương đến địa phương, cộng đồng dân cư. Dự kiến đến năm 2015 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được 60% nhu cầu sử dụng và phục vụ cả nhu cầu xuất khẩu…
Tại hội nghị sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, Việt Nam là một thị trường thuốc lớn nên cần chú trọng phát huy năng lực sản xuất, cung cấp trong nước. Doanh nghiệp có trách nhiệm phải cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất, phải chứng minh được tác dụng tốt để người dân thấy yên tâm dùng”, Phó thủ tướngyêu cầu.
Hồng Hải