Có nên bỏ thai khi nhiễm Rubella ?

Các bà mẹ lưu ý
- Nếu mắc rubella thì cần xem đang ở tháng thứ mấy của thai kỳ
vì Thai  phụ mắc rubella sau 20 tuần thì hầu như rất ít ảnh hưởng đến thai
- Cẩn thận khi nhầm lẫn Sởi thành rubella
vì: triệu chứng của hai bệnh này khá giống nhau,
xem tại đây
- Cân nhắc tiêm phòng ngừa rubella trước khi mang thai
nên tiêm trước 3 tháng trước khi quyết định mang bầu
xem tại đây


Gần đây, nhiều bà mẹ trẻ lo lắng nhiễm rubella đã yêu cầu bác sĩ xét nghiệm tìm kháng thể này. Thái độ trên là rất đáng ủng hộ nhưng nếu áp dụng rộng rãi và thường xuyên như một số khuyến cáo thì có nên không?
 

Rubella là bệnh do virút rubella gây ra, còn gọi là bệnh sởi Đức, bệnh sốt ba ngày. Sau khi nhiễm một lần trong cuộc đời, hầu như hiếm khi bị lại. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn của dịch tiết đường hô hấp, ủ bệnh trong một đến hai tuần, sau đó khởi phát với tình trạng mệt mỏi, sốt nhẹ đến vừa và cùng ngày xuất hiện phát ban giống bệnh ban đỏ (sởi) nhưng mức độ nhẹ hơn, biến chứng ít hơn.


Thai phụ nhiễm rubella gia tăng


Với người bình thường, trẻ nhỏ, thậm chí người già, rubella không đáng ngại. Tuy nhiên, với bà bầu, nhất là trong các tháng đầu tiên, bệnh lại nguy hiểm. Nhiễm rubella trong ba tháng đầu thai kỳ, khả năng gây dị tật cho trẻ rất cao, từ 80 - 90%, nghĩa là mười bà bầu nhiễm bệnh thì có khoảng tám đến chín bà sẽ sinh con dị tật. Các dị tật có thể gặp gồm: dị tật tai (như điếc...); dị tật mắt (như đục thuỷ tinh thể gây mù, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh…); dị tật tim (còn ống động mạch, thông vách ngăn giữa các buồng tim…) Ngoài ra còn gặp sảy thai, sanh non, tình trạng phù bánh nhau, thay đổi lượng nước ối, trẻ sinh ra bị vàng da nặng nề, xuất huyết do giảm tiểu cầu… Khi bà bầu nhiễm bệnh ở những tháng sau, khả năng ảnh hưởng trên thai giảm dần (khoảng 50% từ 12 - 17 tuần thai; 20% từ 17 – 20 tuần thai),

Thai  phụ mắc rubella sau 20 tuần thì hầu như rất ít ảnh hưởng đến thai.



Rubella có thể xuất hiện quanh năm ở nước ta, tập trung vào thời điểm đông xuân. Bệnh có thuốc chủng ngừa từ lâu. Trong mười năm trở lại đây, nhiều trẻ em ở thành thị đã được tiêm ngừa, một mũi tiêm đủ ngừa suốt đời, nên hầu như bệnh chỉ xảy ra trên người lớn chưa tiêm ngừa, đặc biệt ở các vùng đông dân dễ gây ra dịch. Gần đây, theo ghi nhận tại bệnh viện, số thai phụ nhiễm rubella có gia tăng, số trẻ sơ sinh nhiễm rubella trong bụng mẹ cũng gia tăng đồng thời. Điều này chưa rõ do bệnh xảy ra nhiều hơn trong cộng đồng hay do gia tăng tìm kiếm của ngành sản – nhi và đưa đến phát hiện bệnh nhiều hơn.


Xét nghiệm kháng thể không phải “bùa”


Để chẩn đoán, không chỉ dựa vào biểu hiện sốt và phát ban, vì có nhiều bệnh nhiễm virút khác cũng có phát ban hay sốt hoặc cả hai, thậm chí 25% trường hợp rubella không có phát ban. Vì vậy, nhất thiết cần xét nghiệm máu người mẹ tìm xem có kháng thể chống virút rubella không. Có hai loại kháng thể: IgM xuất hiện ngay sau có bệnh (thường sau sốt, phát ban vài ngày) và tồn tại khoảng 6 - 8 tuần thì hết hẳn; IgG xuất hiện sau IgM từ 1 - 2 tuần, tăng nhanh chóng trong khoảng 2 - 3 tháng liên tục rồi giảm dần nhưng không bao giờ mất hẳn. Do tính chất như vậy, có khi phải xét nghiệm tìm các loại kháng thể trong vài lần liên tục mới có thể khẳng định có phải đang bị hay vừa bị nhiễm rubella. Sau đó còn so sánh thời điểm nhiễm có nằm trong khoảng gây ảnh hưởng thai nhi không, rồi mới xử trí thai kỳ theo hướng có lợi nhất cho thai phụ.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Từ những điều trên, có thể nói xét nghiệm tìm kháng thể chống virút rubella không phải là “bùa” để bảo vệ các thai phụ khỏi rubella. Khi xét nghiệm cho kết luận thai phụ chưa từng nhiễm rubella, nếu lúc này giai đoạn thai còn nhỏ 10 - 12 tuần, thì không có nghĩa thai phụ sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh trong các tháng sau. Khi đó cũng không thể dùng thuốc chủng ngừa rubella vì thuốc cấm dùng lúc mang thai. Trong các trường hợp kết quả xét nghiệm cho biết nhiễm bệnh từ lâu hay đang bị nhiễm bệnh, đôi khi còn phải làm xét nghiệm nhiều lần mới dám kết luận, chứ không thể chỉ một lần là có đáp án rõ ràng.


Nên tiêm ngừa trước khi định mang thai


“Khi xét nghiệm cho kết luận thai phụ chưa từng nhiễm rubella, nếu lúc này giai đoạn thai còn nhỏ 10 - 12 tuần, thì không có nghĩa thai phụ sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh trong các tháng sau”.


Rubella là vấn đề rất cần lưu ý với thai phụ, đặc biệt trong những tháng đầu tiên. Tuy nhiên, “rất lưu ý” không có nghĩa ùn ùn đi xét nghiệm. Thực hiện xét nghiệm tràn lan chẳng đưa thai phụ vào tình trạng an toàn với rubella, mà còn làm tăng tốn kém không đáng cho gia đình và tăng quá tải của hệ thống y tế, vốn đã rất quá tải.


Để phòng ngừa hiệu quả, tốt nhất nên tiêm ngừa rubella cho phụ nữ trẻ trong tuổi sinh sản, trước khi họ định mang thai. Giá một mũi thuốc ngừa thấp hay tương đương với giá của xét nghiệm tìm bệnh, mà lại có hiệu quả bảo vệ suốt đời. Ở các quốc gia phát triển, hầu như dân số trẻ trong tuổi sinh sản đều có miễn dịch với rubella do thuốc ngừa sử dụng phổ biến cho trẻ từ lâu. Việc xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm rubella trong lúc mang thai họ đặt thường quy cho nhóm người nhập cư, vốn nhiều khả năng chưa được tiêm ngừa và còn nhằm thúc đẩy tiêm ngừa sau sinh để có miễn dịch với bệnh.


Hỏi đáp về Rubella
Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh

Sài Gòn tiếp thị