Thừa chất sắt dễ gây ung thư


Thiếu sắt gây thiếu máu, vì vậy, trẻ em và phụ nữ thường phải bổ sung chất sắt. Tuy nhiên, việc dư thừa chất sắt lại gây ra nhiều loại ung thư nguy hiểm.

Sắt là chất quan trọng trong cơ thể, có mặt trong mọi tế bào và rất cần thiết trong việc duy trì sự khoẻ mạnh của hệ miễn dịch, các cơ và điều chỉnh sự phát triển của các tế bào.  


Thịt màu đỏ chứa rất nhiều sắt, làm tăng cao nồng độ sắt tự do có hại. 

GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sắt vô cùng quan trọng với cơ thể. Thiếu sắt gây thiếu máu, ốm đau và suy nhược, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, sắt dư thừa lại vô cùng độc hại, là thủ phạm của nhiều bệnh tật, đặc biệt là ung thư.

Theo đó, trong khẩu phần ăn nếu lượng sắt quá nhiều có thể tạo khối u trong gan, phổi, mô, ruột kết tràng hoặc tự phát thành bệnh nhiễm sắc tố sắt nội mô với tăng nguy cơ ung thư tế bào gan, dạ dày, ruột kết tràng và có thể cả ung thư phổi, thực quản, bàng quang. 

Lượng sắt quá nhiều trong khẩu phần ăn có thể là nguyên nhân phát triển xơ gan và ung thư gan. Cơ chế của nó là do, sắt có trong tế bào dưới dạng transferin có nhiệm vụ vận chuyển protein trong huyết tương, liên kết với chất tiếp nhận trên bề mặt tế bào và khi transferin đã bão hòa sắt sẽ tác động tăng sinh tế bào.

Khi mức bão hòa transferin đạt trên 60% sẽ dẫn đến nguy cơ gây ung thư. 

BS Phạm Đình Tuần, Phòng khám Ung thư, Trung tâm Y tế Thái Hà cho hay, sắt có nhiều trong các loại ngũ cốc, đậu đỗ, rau cải xoong, rau bina, cải xoăn, hạt vừng, hướng dương, lòng đỏ trứng, sò, trai, cá béo...

Đặc biệt là thịt màu đỏ chứa rất nhiều sắt, làm tăng cao nồng độ sắt tự do có hại, ngay cả khi các protein chưa đủ bão hòa với sắt. 

Một số nghiên cứu đã lấy chiết xuất dịch từ núm vú bằng một máy bơm vú ở phụ nữ tiền mãn kinh, sau mãn kinh để nghiên cứu và phát hiện rằng phụ nữ bị ung thư vú có mức ferritin (một protein vận chuyển sắt) trong dịch vú cao hơn 5 lần so với bình thường. 

Các chuyên gia cảnh báo, sắt cũng giống như chì, thủy ngân, nhôm và mangan, là chất luỹ tích, không thể bài tiết. Mỗi ngày, chúng ta chỉ có thể bài tiết khoảng 1,2mg bất kể hấp thụ nhiều hay ít.

Vì vậy, nếu sắt đã được hấp thụ hơn lượng cần thiết, rất khó để loại ra khỏi cơ thể. Phần lớn lượng dư thừa sẽ được tích trữ trong gan ở dạng phức hợp sắt protein là ferritin.   

Khi ferritin bão hoà, một phức hợp sắt khác là hemosiderin được giải phóng và có thể dẫn đến hàng loạt ảnh hưởng bất lợi lên các tế bào gan. Thức ăn chứa quá nhiều sắt không được hấp thụ hết có thể giải phóng các gốc oxy trong ruột, gây ung thư ruột thừa. Đặc biệt, chế độ ăn nhiều sắt kết hợp với các thuốc, thực phẩm bổ sung sắt sẽ là nguy cơ khó lường.
Theo Afamily