Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh




Tất cả các kháng sinh thường dùng đều có chất lượng tốt nếu đó là thuốc thật, được tồn trữ bảo quản tốt và nhất là được sử dụng hợp lý, đúng cách. 

Kháng sinh hiện nay phổ biến đến mức nếu bị bệnh lặt vặt như đau đầu, cảm cúm, ho, sốt nhẹ… là người dân lại chạy đi mua thuốc kháng sinh. Vậy kháng sinh là gì và nhóm kháng sinh nào thì dùng cho những loại bệnh nào?

Kháng sinh là gì?
Bình thường, trong cơ thể mỗi người đều có một đội quân chiến đấu luôn túc trực sẵn sàng (hệ miễn dịch). Nếu có một con vi sinh vật nào đó lọt vào trong cơ thể tính tấn công chúng ta, lập tức đội quân chiến đấu sẽ tiêu diệt kẻ thù ngay.
Tuy nhiên, đôi khi lực lượng quân địch hùng hậu quá hoặc lực lượng chiến đấu của ta yếu kém quá, cơ thể của chúng ta phải cần đến viện binh để chiến thắng. Nếu quân địch là các loại vi trùng thì viện binh của cơ thể ta chính là kháng sinh. Kháng sinh được hiểu là “kháng” lại “sự sống” của các “sinh vật”. Kháng sinh có thể trực tiếp tiêu diệt vi trùng (diệt khuẩn) hoặc làm cho chúng yếu đi (kiềm khuẩn) để cơ thể tiếp tục tiêu diệt chúng.
Kháng sinh chỉ được dùng để điều trị các bệnh gọi là nhiễm khuẩn, tức là bệnh do vi khuẩn gây ra (viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, viêm họng, nhiễm trùng tiểu, ho dai dẳng…) hoặc trong phẫu thuật để phòng nhiễm trùng.
Một số nhóm thuốc kháng sinh đặc trị
BS Xuân Hương – BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết: Hiện tại, trên thị trường Việt Nam có gần như tất cả các loại thuốc kháng sinh thông dụng trên thế giới, đa dạng cả thuốc nội lẫn thuốc ngoại. Tùy theo chuyên môn từng khoa bệnh mà bác sĩ sẽ chọn kháng sinh phù hợp cho việc chữa trị với từng bệnh đó, vì mỗi kháng sinh đều có tác dụng riêng đối với một số vi trùng khác nhau.
Các kháng sinh được phân loại theo cấu trúc hóa học, cơ chế tác dụng và phổ kháng khuẩn. Một số nhóm kháng sinh chính:
1. Nhóm β lactam các peniciline: Penicilin, Methicilin, Ampicilline, Amoxicilline, Cloxacilline, Sultamicillin, Piperacilline, Imipenem… thường dùng điều trị nhiễm khuẩn mủ xanh và gram (+)(1) như viêm hô hấp trên dưới, viêm cơ xương, abscess…
2. Nhóm β lactam các cephalosporin: Thế hệ 1: Cefadroxil, Cephalexin, Cefalothin, Cephazolin. Thế hệ 2: Cefaclor. Thế hệ 3: Cefixime, Ceftriaxone, Cefuroxime, Cefixime, Ceftazidime, Cefotaxime, Cefpodoxime. Thường cho các bệnh nhiễm trùng gram (+) và (-) như viêm nhiễm hô hấp, viêm cơ xương, não màng não, đường niệu sinh dục…
3. Nhóm tetracyclin: Tetracycline, Doxycyline, Clotetracyclin, Oxytetracyclin, Minocyclin, hexacyclin. Các Tetracyclin có hoạt phổ rộng (các vi khuẩn gram(+) và gram(-)), Rickettsia, xoắn khuẩn... Chỉ định điều trị bằng cách kết hợp với các kháng sinh khác để điều trị các bệnh: Brucella, tả, sốt định kỳ, lậu cầu, giang mai, viêm đường tiêu hoá, sốt rét...
4. Nhóm aminoside: Amikacin, Tobramycin, Neomycin, Gentamycin, Kanamycin, Streptomycin. Có tác dụng trên các VK gram (-) như viêm nhiễm hô hấp, đường niệu dục, gan mật, cơ xương…
Nhìn chung, tất cả các kháng sinh thường dùng đều có chất lượng tốt nếu đó là thuốc thật, được tồn trữ bảo quản tốt và nhất là được sử dụng hợp lý, đúng cách. Thế nhưng, tại Việt Nam hiện nay, kháng sinh được bán rộng rãi không cần toa bác sĩ kể cả những loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất. Có lẽ, hậu quả từ việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi … vẫn chưa được nhiều người dân biết đến.
(1) Nhuộm gram (viết tắt G) là phương pháp mà các bác sĩ dùng để định danh các vi khuẩn. Tùy theo màu nhìn kính hiển vi (sau khi đã nhuộm) mà biết là vi khuẩn Gram dương (+) hoặc gram âm (-). Bắt màu tím-xanh là vi khuẩn gram (+), còn bắt màu hồng là vi khuẩn gram (-). Phương pháp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phân biệt bệnh do nhiễm khuẩn với các trường hợp không do nhiễm khuẩn vì điều trị và tiên lượng sẽ khác nhau.
 
Theo Tuổi Trẻ