Sốt xuất huyết: vì sao khỏe rồi tử vong?


Ngày 6-12, bé T.K.M.K. (6 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đã tử vong tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM sau hơn ba tuần điều trị tại bệnh viện này.Anh T.V.D., cha của bé M.K., cho biết ngày 11-11 bé M.K. được gia đình đưa đến BV Bệnh nhiệt đới TP khám vì sốt cao. Bác sĩ khám, cho xét nghiệm máu và chẩn đoán bé bị sốt phát ban, cho toa thuốc.

Hai ngày sau bé K. vẫn sốt, gia đình lại đưa bé đến BV Bệnh nhiệt đới thì bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết độ 4. Bé nằm viện hơn 20 ngày. Bác sĩ thông báo với gia đình bé đã qua cơn nguy kịch. Thế nhưng, bé đột nhiên bị trào máu miệng và tử vong. Theo anh T.V.D., bác sĩ đã tắc trách trong chẩn đoán ban đầu. Đến nay gia đình không biết vì sao bé K. đã khỏe rồi lại đột ngột tử vong.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP - trả lời 14g ngày 11-11, bé đến khám tại phòng khám BV, bé có những nốt đỏ lớn ở da, được chẩn đoán là sốt phát ban vào ngày thứ ba của bệnh tại thời điểm này là phù hợp với biểu hiện lâm sàng của sốt phát ban do siêu vi. 

Ngày 12 và 13-11 (ngày thứ 4 và 5 của sốt), bé ở nhà uống thuốc theo toa, hết sốt. Đến chiều 13-11 bé có biểu hiện bỏ ăn, mệt và nhập viện BV Bệnh nhiệt đới lúc 18g25 ngày 13-11. Khi nhập khoa hồi sức bé đã ở tình trạng đừ, mạch, huyết áp không đo được.



Các xét nghiệm ngay khi bắt đầu điều trị đã thấy có tổn thương nhiều cơ quan gồm gan, thận, rối loạn đông máu. Diễn tiến lâm sàng và xét nghiệm cho thấy bé bị sốt xuất huyết độ 4, sốc kéo dài, suy đa phủ tạng (suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng), tiên lượng rất nặng có nguy cơ tử vong cao ngay tại thời điểm đó.

Bác sĩ điều trị đã thông báo và tư vấn cho thân nhân đầy đủ.

Bé được điều trị theo đúng phác đồ dành cho những trường hợp sốt xuất huyết nặng và theo dõi chặt chẽ. Qua 23 ngày điều trị, những vấn đề nguy hiểm có thể đe dọa tử vong do sốt xuất huyết nặng của bé đã được giải quyết.

Các ca trực đêm 5-12 cũng như thăm khám của bác sĩ tại khoa trong buổi sáng cho đến 8g ngày 6-12 đều nhận thấy tình trạng sức khỏe của bé ổn định, bé được chuyển sang thở oxy mũi. Bé hoàn toàn tỉnh táo, đòi ăn uống, nói chuyện với người nhà; không có dấu hiệu báo trước diễn tiến nặng trở lại như suy hô hấp, suy tim...

Tuy nhiên, khoảng 8g30 ngày 6-12, bé đột ngột ho ọc ra máu đỏ tươi lẫn bọt và trụy mạch do bị xuất huyết ồ ạt từ phổi. Diễn tiến trở nặng của bé xảy ra đột ngột, trong thời gian rất ngắn. Do đó nguyên nhân dẫn tới tử vong có thể do xuất huyết phổi cấp tính vì vỡ mạch máu làm ngập phổi dẫn tới suy hô hấp và tử vong.

Đây là tình trạng bệnh lý rất nặng, có thể do biến chứng của thở máy dài ngày gây sang chấn niêm mạc đường hô hấp gây xuất huyết ồ ạt, rất ít cơ may điều trị khỏi. Theo y văn, những trường hợp này khá hiếm gặp.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết:

- Bệnh sốt xuất huyết có diễn tiến đa dạng và phức tạp. Khởi đầu của bệnh thường có triệu chứng sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt không bớt, do đó trong giai đoạn đầu bệnh nhân thường được chẩn đoán là sốt siêu vi.

Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh lý nhiễm siêu vi khác như: đau họng, ho, họng đỏ (tương tự viêm họng), nhức mỏi và đau cơ (tương tự bệnh cúm), nổi những nốt đỏ trên da không phải do xuất huyết trong 2-3 ngày đầu (tương tự biểu hiện trong bệnh sốt phát ban do siêu vi khác như sốt phát ban do rubella, sởi...).

Ở giai đoạn đầu, việc chẩn đoán phân biệt giữa sốt xuất huyết với các bệnh nhiễm siêu vi có sốt khác là rất khó

Triệu chứng báo hiệu sốt xuất huyết ra sao?

- Khi một bệnh nhân sống trong vùng có dịch sốt xuất huyết đang xảy ra, có sốt cao liên tục thì cần đặc biệt theo dõi những dấu hiệu cảnh báo của bệnh vào những ngày 4,5,6 tính từ khi bị sốt, để nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế ngay lập tức.

Các dấu hiệu cảnh báo là: đau bụng và căng tức, ói liên tục, chảy máu niêm mạc, li bì, bứt rứt, vùng gan to, đau. Với những trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết mà không có dấu hiệu cảnh báo có thể theo dõi điều trị tại nhà.

Cần lưu ý, bệnh sốt xuất huyết dù được chẩn đoán chính xác ngay từ ngày đầu tiên của sốt thì đến nay y học vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu để ngăn ngừa bệnh trở nặng (vào khoảng ngày thứ 4-6 của bệnh) và bệnh cũng có thể trở nặng rất nhanh chóng, từ độ 1 chuyển ngay sang độ 3 hoặc độ 4.

Điều trị sốt xuất huyết thế nào, thưa bác sĩ?

- Việc điều trị bệnh sốt xuất huyết-D cho đến nay chỉ là giải quyết triệu chứng, chưa có thuốc đặc trị diệt virus cũng như thuốc ngăn chặn quá trình thoát mạch huyết tương (gây sốc sốt xuất huyết) hoặc quá trình xuất huyết.

Cụ thể, bệnh nhân sốt thì dùng thuốc hạ sốt và uống nhiều nước; khi bệnh trở nặng, vào sốc thì dùng dịch truyền tĩnh mạch để bồi hoàn thể tích dịch tuần hoàn; khi chảy máu nhiều thì truyền máu...
Theo Afamily