Hóa chất xử lý nước sau mưa lũ


Mùa mưa lũ đã và đang đến khiến tình trạng vệ sinh môi trường thay đổi nhanh chóng bởi sự tàn phá của bão kèm theo mưa, lũ, lụt làm hư hỏng các công trình vệ sinh, từ đó các chất bẩn hòa trộn vào nước làm lây lan nhiều mầm bệnh. Xử lý nước sau lũ lụt là công việc hết sức cần thiết để góp phần ngăn ngừa bệnh xảy ra trong cộng đồng.
Bệnh tật xuất hiện do ô nhiễm nguồn nước
Bão lụt có thể sẽ làm cho các công trình vệ sinh bị hư hỏng, kèm theo mưa sẽ đưa các chất bẩn, rác thải trôi dạt đến nhiều nơi. Trong các chất bẩn của công trình vệ sinh, xác động thực vật có vô vàn các loại vi sinh vật gây bệnh gồm vi khuẩn, virut và ký sinh trùng. Vi khuẩn gây bệnh đường ruột, nhất là gây bệnh tiêu chảy chủ yếu do các loại vi khuẩn đường ruột gây ra như vi khuẩn thương hàn, E.coli, lỵ trực khuẩn, Campylobacter, Proteus, Enterobacter và đặc biệt là vi khuẩn tả. Đối với ký sinh trùng thì rất dễ gặp phải bệnh lỵ amíp và các bệnh giun sán. Đồng thời bão, lụt cũng làm cho người dân sẽ thiếu thốn về nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt cho nên khi dùng nước đã bị nhiễm bẩn nguy cơ cao mắc bệnh đường ruột, bệnh đau mắt đỏ, bệnh sốt vàng da chảy máu (bệnh Leptospira) và nhiều loại bệnh khác rất khó tránh khỏi.
 Khử khuẩn giếng nước sau khi lũ rút.
Xử lý nước sau lũ lụt
Các vùng, miền chưa có nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi. Nếu dùng nước ao, hồ, sông, suối cần được làm trong và khử trùng trước khi sử dụng. Để làm trong nước, lấy một cục phèn chua bằng nửa đốt ngón tay (khoảng 1g) cho vào một gáo nước làm tan phèn rồi đổ gáo nước đó vào một xô nước khoảng 25 lít, khuấy thật đều, chờ khoảng 30 phút để lắng cặn, gạn lấy phần nước trong ở phía trên và tiếp tục khử khuẩn, sau đó mới dùng để đun nước uống, nấu cơm, thức ăn và tắm giặt. Nếu để làm trong một lượng nước nhiều hơn cũng làm như đã nêu (phải dùng một chiếc xô lớn chứa được khoảng 25 lít nước để đong nước đổ vào các dụng cụ chứa nước như chum, vại, lu hay thùng nước, bể nước, sau đó lấy phèn chua để làm trong nước) theo tỷ lệ 1g phèn cho 20 - 25 lít nước.
 
Sau khi đã làm trong nước bằng khử phèn phải múc lấy nước trong ở trên đổ sang dụng cụ chứa nước khác để khử khuẩn. Việc khử khuẩn được các nhà khoa học y học khuyến cáo là nên dùng cloramin B hoặc cloramin T, vì các loại hóa chất này thông dụng, dễ mua, rẻ tiền (có cơ quan y tế địa phương sẽ cung cấp) và tiện lợi. Trước tiên cho 1 viên cloramin B có hàm lượng 0,25g vào một gáo nước làm tan hết rồi đổ gáo nước có cloramin B vào xô nước (25 lít) đã được làm trong. Nếu không có viên cloramin B thì có thể dùng loại bột cloramin B hoặc cloramin T. Nếu dùng loại bột thì chỉ cần 1/3 thìa canh có thể dùng để khử trùng cho 300 lít nước sau khi nước đã làm trong. Nước đã được khử khuẩn bằng cloramin B có thể dùng trong sinh hoạt như nấu cơm, đun nước để uống và nấu thực phẩm.
 
Nước đã khử khuẩn cũng được dùng trong việc tắm giặt hàng ngày. Nếu muốn uống thì phải đun sôi, để nguội mới dùng. Người ta cũng khuyến cáo là ngoài việc dùng cloramin B có thể dùng viên aquatabs. Vì loại này có khả năng khử khuẩn tốt, hơn nữa, sau khi khử khuẩn bằng loại hóa chất aquatabs có thể uống được mà không cần đun sôi. Tuy nhiên, do thị trường có nhiều loại aquatabs với hàm lượng khác nhau nên khi mua cần có hướng dẫn cụ thể của dược sĩ bán thuốc ở quầy thuốc. Khi có aquatabs cho 1 viên  67mg vào 20 lít nước trong, đậy nắp lại, đợi sau 30 phút để diệt hết vi sinh vật là dùng được. 
 
 Vibrio cholerae, vi khuẩn gây bệnh (hình chụp qua kính hiển vi điện tử).
Nếu địa phương, gia đình nào dùng nước giếng khoan thì sau bão, lụt cần vệ sinh máy bơm thật sạch. Nếu dùng giếng khơi cần bơm hết nước bẩn trong giếng, nhất là giếng bị ngập nước, vệ sinh sạch sẽ và sau khi có nước sẽ làm trong nước và khử khuẩn. Để làm trong nước giếng khơi hoặc giếng khoan người ta cũng dùng phèn chua với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước quá đục có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3 nước. Với giếng khơi thì hòa tan hết lượng phèn vào một thùng nước, tưới đều lên mặt nước giếng, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên ít nhất là 10 lần và nên thay đổi vị trí của gầu để có thể khuấy nước khắp giếng; đợi từ 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết và khi thấy nước giếng đã trong thì tiến hành khử khuẩn. Có thể khử khuẩn bằng cloramin B hoặc clorua vôi 20% hoặc 70%.
 
Khi dùng cloramin B cần tính lượng cloramin B cần thiết cho giếng nước với nồng độ cần thiết là 10g/m3 (clorua vôi 20%, nồng độ 13g/m3 nước; clorua vôi 70%, nồng độ 4g/m3 nước). Nếu dùng nước giếng khoan thì khâu làm trong nước và khử khuẩn áp dụng như nước sông, suối, ao, hồ. Tất cả các biện pháp làm trong nước và khử khuẩn nước sau lũ lụt phải đảm bảo được nguyên tắc là nước giếng sau khi khử khuẩn phải có nồng độ clo thừa là 0,5 - 1,0 mg/lít (có mùi nồng của clo mới đạt yêu cầu) và phải đun sôi để nguội mới được dùng để uống.
PGS.TS.Việt Bắc (Đại học Y Hà Nội
Theo SK&ĐS