Tiêu chảy thường có liên quan đến nhiễm khuẩn nhưng cũng có thể do tích lũy trong khoang bụng những dịch có áp suất thẩm thấu cao không hấp thụ được như trong trường hợp thiếu hụt lactose hoặc do những kích thích ở dạ dày-ruột, không do các độc tố vi khuẩn, cũng có thể tiêu chảy là do ruột có cấu tạo hoặc khả năng nhu động không bình thường. Khi mắc tiêu chảy, người bệnh cần được điều trị kịp thời và đúng thể bệnh.
Tiêu chảy cấp tính
Bù nước và điện giải
Mất nước và điện giải có thể gây tử vong ở trẻ em. Bổ sung nước theo đường uống để chống mất nước và điện giải do tiêu chảy là liệu pháp cơ bản. Dung dịch gồm các chất điện giải chủ yếu (natri, kali, chlorid, bicarbonat hay citrat) và glucose, dùng cho bệnh nhân ở bất kỳ tuổi nào hay tiêu chảy do bất kỳ nguyên nhân nào. Thành phần có thể thay đổi nếu trẻ suy dinh dưỡng, có thể bổ sung kẽm trong tiêu chảy cấp tính. Thành phần hợp lý của dung dịch bổ sung nước theo đường uống như sau: glucose tạo điều kiện chuyển vận tích cực các chất điện giải. Sự hấp thụ các chất điện giải là tốt nhất khi tỷ số mol của glucose trên natri vào khoảng 1:1. WHO khuyến nghị, 1 dung dịch chứa 90mmol natri và 111mmol glucose/lít. Loại chế phẩm này được dùng ở các nước đang phát triển, ở đó, tiêu chảy thường có nguyên nhân nhiễm khuẩn. Khi bổ sung nước đã đủ, có thể dùng nước để pha loãng dung dịch để hạ nồng độ natri xuống còn khoảng 60mmol/lít để tiếp nước duy trì. Ở những nước đã phát triển, tiêu chảy do virut hay gặp hơn và gây thiếu chất điện giải ít hơn. Loại bán ở thị trường Anh có chứa 35 - 60mmol natri và 90 - 200mmol glucose/lít. Loại mà nồng độ natri thấp hơn thì glucose cao hơn nhằm đảm bảo tính đẳng trương của dung dịch.
Khi bị tiêu chảy cần cho trẻ uống oresol được pha theo đúng quy định.
Có một số bằng chứng cho thấy rằng dung dịch có nồng độ natri thấp tốt hơn, tuy nhiên, về vấn đề này cũng còn có nhiều tranh cãi như cần cho thêm citrat hay bicarbonat. Dung dịch nước ngũ cốc đun sôi để nguội có thể tốt hơn glucose, làm tiêu chảy chóng khỏi hơn nhưng cũng có ý kiến cho là dung dịch glucose kết hợp với cho ăn uống sớm thì kết quả cũng ngang với dung dịch ngũ cốc. Tổng kết lại thì thấy dùng nước cháo gạo để bổ sung nước là tốt nhất cho các trường hợp tiêu chảy thông thường. Đối với bệnh nhân tiêu chảy do tả thì vẫn nên dùng dung dịch WHO đề xuất. Nếu không có thì có thể thay thế bằng nước dừa, nước cháo gạo, súp, nước chè loãng và dung dịch đường với một số muối. Các loại nước giải khát ngọt có độ pH thấp và nồng độ molal cao có thể làm tiêu chảy nặng thêm.
Khi mất nước nặng do tiêu chảy cấp tính (quá 10% thể trọng) phải tiếp nước qua đường tiêm tĩnh mạch, tốt nhất với dung dịch ringer lactat. Tiếp nước đường tĩnh mạch cũng là cần thiết khi bệnh nhân không uống được.
Việc tiếp nước theo đường tĩnh mạch phải kết hợp với dinh dưỡng, đặc biệt với trẻ em để chống suy dinh dưỡng, do ăn uống không đủ khi bị bệnh, vẫn cho trẻ bú mẹ. Trong trường hợp dùng sữa bò, có ý kiến nên pha loãng hơn nhưng cũng có ý kiến không cần thiết phải như vậy. Không nên kiêng hoàn toàn khi bị tiêu chảy, với trẻ em cũng như người lớn, vì ăn có thể làm giảm đại tiện, rút ngắn thời gian tiêu chảy.
Thuốc điều trị
Theo WHO, việc dùng thuốc chống tiêu chảy có rất ít tác dụng; việc dùng thuốc không làm giảm được sự mất nước và mất chất điện giải mà lại làm chậm sự tống xuất các vi sinh vật là nguyên nhân gây bệnh ra ngoài.
Khi buộc phải dùng thuốc thì dùng những loại thuốc dưới đây:
Nhóm thuốc chống tiêu chảy chính là các chất hấp thụ như attapulgit, kaolin, pectin và nhóm các thuốc làm giảm nhu động ruột như diphenoxylat, loperamid và codein. Các thuốc nhuận tràng tạo khối phân lớn cũng được dùng như methylcellulose do tính chất hấp thụ của chúng. Bismuth salicylat cũng hay được dùng. Chất ức chế calmodulin là zaldarid có hiệu quả làm giảm triệu chứng tiêu chảy.
Các thuốc kháng khuẩn và kháng động vật nguyên sinh thường dùng để dự phòng và điều trị bệnh tiêu chảy, nhưng việc lạm dụng chúng sẽ sinh ra hiện tượng kháng thuốc. Do vậy, nên dùng để phòng bệnh cho người lớn có sức khỏe kém, sống trong những vùng điều kiện thức ăn và nước uống kém vệ sinh và bệnh nhân cần phải di chuyển, không chờ đợi được.
Tiêu chảy mạn tính
Thường có liên quan đến một bệnh nào đó nên việc chữa triệu chứng tiêu chảy không thích hợp bằng chữa nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ như cholestyramin chữa tiêu chảy liên quan đến sự hấp thu các acid mật kém. Khi không loại trừ được bệnh đã gây ra tiêu chảy mạn tính thì có thể chữa triệu chứng như tiêu chảy ở người bệnh đái tháo đường.
DS. Phạm Thiệp
Theo SK&ĐS