Biểu hiện của chứng bệnh này là dương vật không cương lên được kèm theo hoa mắt chóng mặt, cơ thể yếu mệt, khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, tư tưởng không thư thái, hay bị toát mồ hôi, tim hồi hộp, rạo rực, đau mỏi lưng, cơ bắp mềm nhão, thiếu lực, bụng sôi, phân lỏng, rối loạn tiêu hóa, di tinh hoạt tinh, không giao hợp được hoặc giao hợp không thành.
Biểu hiện liệt dương kèm theo di tinh hoạt tinh, ăn uống kém. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân chính là do tâm tỳ lưỡng hư, thận hư, thấp nhiệt uất kết để lâu không được hóa giải, làm cho chức năng sinh khắc giữa các tạng phủ bị rối loạn. Trạng thái âm dương thủy hỏa mất đi sự cân đối điều hòa, từ đó phát sinh ra bệnh. Đông y có nhiều bài thuốc chữa trị chứng bệnh này khá hữu hiệu theo từng thể bệnh, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Liệt dương do tâm tỳ lưỡng hư
Biểu hiện liệt dương thỉnh thoảng kèm theo di tinh hoạt tinh, ăn uống kém, da xanh, môi và niêm mạc nhợt, hay sôi bụng, rối loạn tiêu hóa, chân tay lạnh, cơ bắp yếu mềm, tâm hồi hộp, đau vùng trước tim, ngủ ít, hay mơ, hoảng hốt, thiếu tập trung tư tưởng… Phương pháp điều trị là kiện tỳ dưỡng tâm. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1
Ngũ gia bì 16g, lá đắng 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, bạch truật 16g, thần khúc 10g, cam thảo 12g, trần bì 12g, hắc táo nhân 16g, tang diệp 20g, phục thần 12g, lạc tiên 16g, đại táo 6 quả, đinh lăng 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: dưỡng tâm, bình thần, bổ tỳ thổ, thúc đẩy tiêu hóa.
Bài 2
Củ bình vôi 10g, phục thần 12g, lạc tiên 16g, đinh lăng 16g, bạch truật 16g, hậu phác 12g, hoàng kỳ 16g, lương khương 10g, lá đắng 12g, ngũ gia bì 16g, quế 8g, trần bì 10g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bổ tỳ dương, an thần dưỡng tâm.
Củ bình vôi là vị thuốc chữa liệt dương do tâm tỳ lưỡng hư.
Liệt dương do thận hư
Người bệnh có biểu hiện liệt dương, không giao hợp được, đau lưng mỏi gối, lạnh lưng, đuối sức, mắt mờ, ăn uống kém, chân tay lạnh, cơ bắp mềm yếu, ngủ ít, dễ bị di tinh hoạt tinh, thiếu sức bền, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì vô lực. Phép điều trị là ôn bổ hạ nguyên, bình tâm, bồi thận. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Thục địa 16g, đỗ trọng 12g, tơ hồng xanh 20g, cẩu tích 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 16g, ngũ vị 16g, khởi tử 18g, ngũ gia bì 16g, khiếm thực 16g, tang thầm 12g, phụ tử 8g, quế 8g, cam thảo 12g. Sắc uống 2 ngày 1 thang, ngày uống 2 lần. Công dụng: bổ thận, dưỡng tâm.
Bài 2: Cẩu tích 12g, thục địa 16g, sinh khương 6g, tần giao 12g, đương quy 16g, khởi tử 19g, sơn thù 16g, sơn dược 16g, ba kích 16g, hà thủ ô 16g, đỗ trọng 12g, thỏ ty tử 16g, quế 6g, phụ tử 8g, cam thảo 12g. Sắc uống 2 ngày 1 thang, ngày 2 lần trước bữa ăn. Công dụng: ôn bổ hạ nguyên, dưỡng tâm an thần.
Liệt dương do thấp nhiệt uất kết
Người bệnh có biểu hiện liệt dương, đi tiểu nước tiểu nóng, lượng ít, đau ngang thắt lưng, ù tai, hoa mắt, nhức đầu, váng đầu, miệng đắng, phân thường táo, người mệt mỏi, ngủ không sâu hay mơ màng, rêu lưỡi vàng dày, mạch sác… Phép trị là tư âm, thanh nhiệt, hóa thấp. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Thạch hộc 16g, mạch môn 16g, thục địa 20g, hoài sơn 16g, sơn thù 16g, đan bì 12g, trạch tả 16g, đỗ trọng 10g, hoạt thạch chế 10g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, xa tiền 12g, tang diệp 16g, cỏ mực 16g, đương quy 12g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Dùng thuốc 10 ngày liền.
Bài 2: Sa sâm 16g, đinh lăng 16g, tri mẫu 10g, hoàng bá 12g, mẫu lệ 12g, thục địa 16g, bạch linh 12g, đan bì 12g, trạch tả 12g, thạch hộc 12g, mạch môn 16g, thiên môn 10g, thảo quyết minh (sao vàng) 16g, hắc táo nhân 16g, cam thảo 12g, đại táo 6 quả. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Lưu ý: Trong thời gian điều trị cần kiêng sinh hoạt tình dục. Cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, ăn uống hợp lý. Tránh căng thẳng thần kinh.
Theo Lương yTrịnh Văn Sỹ (Sức khỏe đời sống)