Viêm phổi không cần dùng kháng sinh



Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đã bị viêm phổi dĩ nhiên là phải dùng kháng sinh, nếu không sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng trên thực tế kháng sinh không thực sự cần thiết cho những ca viêm phổi do virus.
Viêm phổi do virus thường xảy ra ở các giai đoạn chuyển mùa, khi cơ thể con người chưa kịp thích ứng với điều kiện thời tiết mới, hay thay đổi, sức đề kháng yếu đi, tạo điều kiện cho virus – chiếm tỷ lệ cao nhất là virus cúm A, cúm B, virus hợp bào hô hấp -  tấn công. Chúng xâm nhập cơ thể qua mũi, họng nhờ việc hô hấp, và làm phát bệnh sau khoảng 6 - 15 ngày với các triệu chứng sốt vừa phải (thường không quá 38,5 độ C), đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức các cơ… và một số biểu hiện giống cảm cúm như hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, ho, sau đó là có đờm và nổi hạch ở cổ.
Bệnh viêm phổi do virus nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào việc sức đề kháng của cơ thể mạnh hay yếu, và chủng virus có độc lực cao hay không. Đối tượng dễ bị nặng là trẻ em, người già, những người có các bệnh mạn tính như tiểu đường, viêm gan B, ung thư, người bị suy giảm miễn dịch (do bệnh tật hoặc do dùng thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn đối với những người phải ghép tạng)… Viêm phổi do virus có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai, tràn dịch màng phổi, bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí tử vong. Những năm gần đây, có rất nhiều người đã mất mạng vì viêm phổi do virus cúm A, trong đó không ít trường hợp có dấu hiệu ban đầu rất nhẹ, khiến người bệnh chủ quan không để ý, đến khi tới bệnh viện thì phổi đã tổn thương quá nặng, không thể phục hồi.

Chưa có thuốc nào đặc trị viêm phổi do virus, kháng sinh cũng không có tác dụng với tác nhân gây bệnh này. Bác sĩ chỉ cho dùng kháng sinh nếu có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn. Nếu không, việc điều trị chỉ tập trung khắc phục triệu chứng (dùng thuốc hạ sốt, giảm ho, kháng viêm…), nâng cao thể trạng (bằng các vitamin, như vitamin C liều cao và các loại vitamin B) để ngăn ngừa các biến chứng. Bệnh thường khỏi sau 1 – 2 tuần. Riêng những người viêm phổi do cúm A phải được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong bệnh viện, đề phòng những biến chứng nguy hiểm.
Viêm phổi do virus là bệnh dễ lây, nguy hiểm nhất là virus cúm A. Vì thế bệnh nhân cần được cách ly, tránh tiếp xúc với người khác cho đến khi khỏi hẳn. Vào những đợt có nhiều bệnh nhân viêm phổi do virus, nên phòng bệnh bằng cách tránh xuất hiện ở những chốn đông người, bảo đảm vệ sinh môi trường và cá nhân, nhất là không quên rửa sạch tay thường xuyên. Cần tăng cường sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý.
Tiêm vaccine cũng là một biện pháp hiệu quả giúp bạn tránh được nguy cơ viêm phổi do một số type virus cúm A và cúm B.
 
Theo Báo Đất Việt