Các bác sĩ Đan Mạch, Nauy, Ấn Độ và Nepal đã phối hợp nghiên cứu dùng kẽm bổ sung trên gần 1.800 trẻ em sống tại Kathmandu, Nepal. Tất cả các cháu đều ở độ tuổi 6-36 tháng và bị tiêu chảy trong 4 ngày hoặc ít hơn. Chúng được chia làm hai nhóm:
- Nhóm 1: Do các bác sĩ theo dõi và được dùng kẽm, kẽm cộng vitamin A hoặc thuốc chứa đường (giả dược) trong thời gian bị tiêu chảy và 1 tuần sau khi bình phục.
- Nhóm 2: Được mẹ theo dõi và chỉ dùng kẽm một mình.
Sau hai tháng, các nhà nghiên cứu nhận thấy:
- Kẽm làm giảm 43-47% nguy cơ tiêu chảy kéo dài tới 1 tuần. Thuốc đạt hiệu quả cao nhất nếu được dùng sớm.
- Tuy không làm giảm nguy cơ mất nước nặng nhưng nếu dùng kết hợp với các biện pháp bù dịch, kẽm sẽ làm giảm độ nặng của bệnh.
- Hiệu quả là tương đương khi thuốc được bác sĩ hoặc mẹ cho uống.
Theo các nhà nghiên cứu, phác đồ điều trị này có thể thay thế việc sử dụng kháng sinh vốn đang được áp dụng không hiệu quả ở trẻ bị tiêu chảy tại các nước đang phát triển. Nghiên cứu đăng trên tạp chi Nhi khoa số tháng 5.
Bệnh viêm phổi là kẻ thù số một của trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh thấp cân hoặc có hệ miễn dịch non yếu do bị suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu em chết vì viêm phổi, phần lớn tập trung ở các nước đang phát triển. Tổ chức Liên Hợp Quốc đã đặt ra mục tiêu cắt giảm 2/3 số trẻ tử vong trong giai đoạn 1990-2015, trong đó ưu tiên hàng đầu là số nạn nhân viêm phổi.
Trong một nghiên cứu nhỏ, các bác sĩ thuộc Trung tâm nghiên cứu Dân số và Sức khỏe Bangladesh tình cờ phát hiện ra tác dụng của kẽm đối với khả năng phục hồi của trẻ bị viêm phổi. Trong gần 300 trẻ bệnh 2-23 tháng tuổi, nhóm ngẫu nhiên cho một số em uống 20 mg kẽm mỗi ngày, số khác dùng giả dược kèm theo các loại thuốc kháng sinh truyền thống. Kết quả cho thấy, những em được bổ sung kẽm đã khỏi bệnh nhanh hơn 1 ngày so với nhóm dùng giả dược. Đồng thời, số trẻ dùng kẽm phần lớn được xuất viện sớm hơn 1 ngày. Vì sao có hiện tượng này? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải. Song theo phán đoán của nhóm nghiên cứu, kẽm có thể đã thúc đẩy khả năng hồi phục của trẻ bằng cách khống chế tình trạng sưng viêm và tắc nghẽn trong đường thở.