"Sạch như bệnh viện, đẹp như công viên, trật tự như trường học", đã trở thành những chuẩn mực để xây dựng một xã hội văn minh. Thế nhưng hiện còn tới 66% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải, nhiều nhân viên y tế chưa có thói quen rửa tay thường xuyên.
Cả nước có 1.186 bệnh viện, với 187.843 giường bệnh. Nguồn chất thải rắn từ hệ thống này lên tới 350-400 tấn/ngày, trong đó có 40 tấn chất thải nguy hại. Với nước thải, mỗi ngày các BV xả ra khoảng 150.000 m3. Nếu không được xử lý tốt, những thành phần nguy hại trong chất thải y tế như vi sinh vật gây bệnh, chất gây độc, gây ung thư… có thể tạo ra nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, còn tới 66% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải. Còn với chất thải rắn, hầu hết được xử lý còn thủ công, thô sơ: 67% bệnh viện xử lý bằng lò đốt, 32,2% bằng lò thủ công hoặc chôn lấp. Hầu hết trạm y tế cấp xã chưa có hệ thống xử lý rác thải, phải chôn lấp. Theo báo cáo tại hội nghị khoa học Nhi khoa của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tại TP HCM, khảo sát cho thấy chỉ có 62% nhân viên y tế thường xuyên rửa tay, trong đó, kỹ thuật rửa tay đúng kỹ thuật chỉ đạt 56%. Trên 70% kỹ thuật viên, bảo mẫu, hộ lý rửa tay thường xuyên, trong khi bác sĩ, sinh viên thực tập chỉ đạt 41-43%.
Y tế là cơ quan trong thành phần giám định vệ sinh môi trường, cần phải được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, không để mầm bệnh phát tán ra nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời, y, bác sĩ, nhân viên y tế cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vệ sinh cá nhân, phòng ngừa lan truyền mầm bệnh giữa các bệnh nhân đến nhân viên y tế và môi trường trong bệnh viện.
Theo Đất Việt