Sắt có vai trò quan trọng với cơ thể, là yếu tố cần thiết tạo nên hemoglobin, chất tạo nên màu đỏ của hồng cầu, có nhiệm vụ chuyên chở ôxy (dưỡng khí) và CO2 (thán khí) trong quá trình hô hấp. Vì vậy, sắt là một trong các chất khoáng cần được cung cấp đủ hằng ngày.
Khi bị thiếu sắt, trẻ em có các biểu hiện da xanh, mệt mỏi, kém hoạt động, hay bị rối loạn tiêu hóa và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có thai thì dự trữ sắt có sẵn trong cơ thể không đủ đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu do sự tăng thể tích máu ngày càng nhiều để nuôi thai. Thiếu máu do thiếu sắt ở thai phụ làm tăng nguy cơ mất máu nhiều trong lúc sinh và sau sinh, dễ sẩy thai, chậm phát triển bào thai, dễ sinh non. Ở nước ta, thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu ở trẻ em, phụ nữ, nhất là ở phụ nữ có thai.
Thịt có màu đỏ chứa nhiều sắt.
|
Để tránh tình trạng thiếu sắt, nên ăn các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn, thịt bò, gan, các loại rau xanh, các loại bột ngũ cốc đã được bổ sung sắt. Thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách uống bổ sung viên thuốc có chứa sắt (sắt thường dùng là sắt II fumarat). Riêng đối với phụ nữ có thai, ngoài ăn chế độ ăn giàu dưỡng chất, cần uống bổ sung viên vừa chứa sắt và vừa cả acid folic trong suốt thai kỳ cho đến sau sinh một tháng (cần bổ sung acid folic để phòng dị tật ống thần kinh cho thai nhi).
Khi dùng các loại thuốc để bổ sung sắt cần lưu ý, nên uống kèm theo vitamin C hoặc uống các loại nước quả chua như nước cam, nước chanh để sắt dễ được hấp thu. Không uống thuốc có chứa sắt chung với nước trà (chè) do trà có chứa chất tanin cản trở sự hấp thu của sắt. Không uống chung với thuốc kháng acid trị viêm loét dạ dày - tá tràng như maalox, stomafao hoặc kháng sinh tetracyclin vì như thế sắt sẽ không được hấp thu. Sau khi uống thuốc chứa sắt, phân sẽ có màu đen (là màu đen của sắt). Đây là dấu hiệu bình thường không có gì phải lo lắng.
PGS.TS.DS.Nguyễn Hữu Đức
Theo SK&ĐS