Khi phụ nữ sử dụng kem chống nắng, thuốc làm đẹp tóc và nhiều loại mỹ phẩm khác thì khả năng phải tiếp xúc với nhiều chất phụ gia không an toàn là khó tránh. Vì vậy cần có một số hiểu biết để lựa chọn mỹ phẩm làm đẹp mà vẫn an toàn.
Thuốc làm duỗi tóc - Dùng thế nào?
Thuốc tác động đến chất keratin của tóc để làm cho tóc mượt và không quăn. Những thuốc này thường được quảng cáo là không có chất formaldehyde nhưng người ta nhận thấy vẫn có hàm lượng cao chất hoá học này trong hơn nửa số sản phẩm lưu hành, nếu phơi nhiễm lâu dài với formaldehyde thì có thể bị ung thư. Vì vậy chỉ nên duỗi thẳng tóc vài tháng một lần, điều này có thể làm phiền lòng các bạn gái quan tâm đến thời trang tóc và là một băn khoăn của các nhà tạo mẫu tóc. Vậy có thể thay thế bằng cách nào? Một số thuốc gội đầu giúp hủy tác động tĩnh điện của tóc làm cho tóc mượt và thẳng nhưng không kéo dài. Là phẳng tóc bằng kẹp kim loại có thể làm mất đi những chỗ quăn tự nhiên. Dùng máy sấy khô tóc không hiệu quả bằng nhưng các nhà tạo mẫu tóc có thể chỉ dẫn cho bạn một vài kỹ thuật tốt, kết hợp với các sản phẩm an toàn cho tóc để có mái tóc mượt hơn theo ý muốn.
Thuốc nhuộm tóc có an toàn?
Đã có nhiều nghiên cứu tìm mối liên hệ giữa thuốc nhuộm tóc và ung thư. Một số nghiên cứu cho rằng, phụ nữ thường xuyên dùng thuốc nhuộm tóc, nhất là thuốc làm tóc sẫm màu thì dễ bị bệnh ung thư máu hay ung thư hạch. Nhiều nghiên cứu khác lại không thấy có sự gia tăng nguy cơ. Phần lớn các nghiên cứu về thuốc nhuộm tóc và ung thư vú đều không thấy có mối liên hệ. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy thuốc nhuộm tóc đe dọa sự an toàn cho phụ nữ mang thai nhưng một số thầy thuốc vì thận trọng vẫn khuyến cáo không nên nhuộm tóc trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Có thể dùng thuốc nhuộm tóc chế tạo từ thực vật (chồi và lá cây móng/henna) giúp tránh được hóa chất độc hại, tuy nhiên phương pháp này không tạo được màu tóc như ý và dễ phai màu hơn. Cũng có thể đến hiệu nhuộm tóc chuyên nghiệp có kỹ thuật cao đầy đủ phương tiện để thuốc nhuộm không dính vào da đầu và hóa chất khó bị hấp thụ.
Ứng dụng laser trong điều trị bệnh da liễu.
|
Thận trọng với thuốc nhuộm mi mắt
Latisse là loại thuốc có tác dụng tạm thời làm cho mi mắt dài, cong. Bôi thuốc hàng ngày lên mi trên. Có thể ít nguy cơ nhưng một số trường hợp thuốc làm sạm da vĩnh viễn quanh mắt hoặc làm thay đổi màu ở một phần của mắt.
Muốn tránh nguy cơ này, có thể dùng mi giả nhưng cũng không phải không còn nguy cơ vì keo dán mi giả vẫn có thể kích thích mi mắt hoặc gây hiện tượng dị ứng. Cần thận trọng với thuốc được quảng cáo là có thể làm cho mi mắt dầy dặn hơn vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng, kể cả mù lòa. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) chưa công nhận một loại thuốc nhuộm mi vĩnh viễn nào.
Hydroquinone
Loại thuốc làm trắng da mà các thầy thuốc da liễu hay chỉ định dùng cho trường hợp da mồi (da có nhiều chấm đen), nếu lạm dụng có thể gây mất màu da. Nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy, hydroquinone có mối liên quan đến bệnh ung thư nhưng nguy cơ trên người thì chưa rõ và còn đang nghiên cứu về độ an toàn của hydroquinone.
Có thể dùng kỹ thuật laser tác động lên bề mặt da để loại bỏ lớp nông của da. Thủ thuật này do bác sĩ da liễu thực hiện, có thể giảm thiểu các nốt da mồi, thậm chí có thể làm mất màu da mà không cần dùng dài hạn hóa chất làm trắng da. Chỉ có điều chi phí tốn kém hơn, hơi đau và mất thời gian để da lành. Một nguy cơ nhỏ nữa là tạo thành sẹo hoặc làm mất màu da.
Trang trí cho móng
Các sản phẩm dùng để trang trí cho móng chứa nhiều hóa chất, gồm cả formaldehyde, phthalate, acetone hay toluene. Những chất này bốc hơi có thể kích thích da, mắt, mũi và đường hô hấp. Nhân viên làm ở các salon này còn dễ bị phản ứng hơn cả khách hàng. Nhiều thuốc dùng cho móng còn có thể gây nhiễm nấm hay nhiễm khuẩn, nhất là khi các dụng cụ không được tiệt khuẩn bảo đảm.
Để giảm thiểu nguy cơ, trước khi sửa hay trang trí móng, cần chọn cơ sở có điều kiện vệ sinh tốt. Không cạo lông chân trước khi sửa móng chân và không nên sửa móng nếu như có tổn thương ở da như xước da, rách da... Cơ sở sửa móng cũng phải tuân thủ những quy tắc để bảo đảm an toàn lao động cho nhân viên và người có nhu cầu sửa móng.
Phơi nhiễm với chất phthalate
Đó là hóa chất làm mềm, làm dẻo, thường có trong đồ chơi trẻ em, trong bao bì gói đồ và trong một số mỹ phẩm, kể cả thuốc bôi móng, nước gội đầu và xà phòng. Có nghiên cứu đã cho thấy phơi nhiễm với phthalate khi mang thai có thể dẫn đến sự phát triển bất thường ở thai nhi, bao gồm nồng độ hormon thấp và cơ quan sinh dục nhỏ. Tuy nhiên, thông tin này chưa đủ bằng chứng để kết luận về nguy cơ cho sức khỏe.
Nếu lo lắng bị phơi nhiễm với phthalate thì tìm các sản phẩm không có chất này, kiểm tra xem trong thành phần thuốc có các tên như dibutylphthalate, dimethylphthalate, diethylphthalate, butyl ester hay chất phụ gia làm mềm chất dẻo... không. Dùng sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm không có phthalate có thể giảm nguy cơ bị phơi nhiễm.
Paraben
Là chất bảo quản thường dùng nhất có ở mỹ phẩm, từ phấn nền, chất làm ẩm cho đến sản phẩm dùng cho tóc. Có nghiên cứu đã tìm thấy chất paraben trong khối u vú nhưng chưa xác định paraben có thực sự gây ra ung thư.
Có thể chọn sản phẩm làm đẹp nhưng không có paraben. Các mỹ phẩm dễ hỏng nếu không có chất bảo quản nhưng paraben không phải là lựa chọn duy nhất. Một số mỹ phẩm dùng vitamin C hay vitamin E làm chất bảo quản.
Sản phẩm để hóa trang có hạn dùng không?
Có thời hạn sử dụng vì chất bảo quản trong sản phẩm hóa trang có thể mất tác dụng theo thời gian và vi khuẩn có thể phát triển. Cho nên các chuyên gia đưa ra những chỉ dẫn sau: sản phẩm lót (phấn, kem làm nền) có thời hạn sử dụng 1 năm; phấn hồng/tạo bóng sẫm: 2 năm; son môi: 1 năm; thuốc bôi mi (mascara): 3-4 tháng. Không dùng thuốc trang điểm cho mắt đã bị nhiễm khuẩn.
Lựa chọn sản phẩm chống nắng
Các chất phụ gia có trong sản phẩm chống nắng đã được dùng từ nhiều thập kỷ và đã được coi là an toàn. Điều nguy hiểm là chọn loại sản phẩm chống nắng quá yếu. Để có thể bảo vệ và chống lại các tia tử ngoại A và B, hãy chọn loại sản phẩm có phổ rộng, SPF từ 30 trở lên để giảm nguy cơ bị ung thư da và lão hóa da sớm.
BS. Xuân Anh
Theo SK&ĐS