Thuốc tân dược mà IMP bán cho đối tác Campuchia có hàm lượng hoạt chất gây ghiện thuộc mức cho phép và IMP có hóa đơn cho lô hàng trên.
Công An - Viện Kiểm soát và Tòa Án Tỉnh Đồng Tháp đã có công văn chính thức gửi Công ty cổ phần Dược Phẩm Imexpharm (mã IMP, Imexpharm) về "Kết quả điều tra công ty cổ phần Dược Phẩm Imexpharm".
Theo đó, IMP không cấu thành tội kinh doanh trái phép, không cấu thành tội buôn lậu và vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo kết quả thanh tra của Bộ Y tế, Đoàn thanh tra Chính phủ, và kết quả xác minh ban đầu của Cục C47- Bộ Công an, IMP đã bán cho công ty dược Indochina Pharma Campuchia 5 mặt hàng thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện. Đặc biệt là 28.800 viên Nucofed có chứa tiền tố gây nghiện Pseudoephedrin (PSE) 30 mg. Giá trị đơn hàng là 1,7 tỷ đồng.
Ngày 14/12/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra (C47)- Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố hình sự IMP về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện. Ngày 10/1/2012, cơ quan công an có văn bản gửi Bộ Y tế thẩm định lại các loại thuốc tân dược của IMP. Cũng trong ngày này, bản thân công ty IMP cũng có công văn gửi Lãnh đạo Bộ y tế xin xác minh lại hàm lượng các chất gây nghiện có trong sản phẩm của IMP.
Sau hơn hai tháng, Bộ y tế đã có công văn trả lời chính thức các sản phẩm của IMP. Các sản phẩm tân dược của Imexpharm có nhiều hoạt chất trong đó có hoạt chất gây nghiện, hoạt chất hương tâm thần, nhưng hàm lượng chất này đều nhỏ hơn quy định hiện hành. Do đó, ngày 12/4, cơ quan điều tra đã hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Imexpharm.
Tuy nhiên, Imexpharm có dấu hiệu của tội kinh doanh trái phép hoặc tội buôn lậu, nên Hồ sơ của IMP tiếp tục được chuyển cho Công an tỉnh Đồng Tháp điều tra xử lý. Điều tra IMP cho thấy, công ty đã bán lô hàng 5 loại thuốc tân dược cho công ty Indochina Pharma đều thực hiện tại Chành cách cửa khẩu Long Bình, An Giang 5 km.
Việc vận chuyển thuốc qua cửa khẩu do đối tác Campuchia thực hiện. Về việc thanh toán, IMP đều có hóa đơn giá trị gia tăng, và thanh toán hóa đơn bằng tiền Việt Nam. Do đó, Imexpharm không cấu thành tội buôn lậu và không vi phạm hành chính về thủ tục xuất nhập khẩu.
Imexpharm là một trong 7 doanh nghiệp dược phía Nam bị cáo buộc liên quan tới chất gây nghiện. Những cáo buộc này bắt nguồn từ thông tin Xí nghiệp dược 30 của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đông Hải, Quân khu 7, liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, tiêu thụ hơn 7,356 kg nguyên liệu có chứa tiền chất ma túy Pseudoephedrine (PSE). Theo kết luận cuối cùng của Bộ Quốc Phòng thì Xí nghiệp dược 30 thực chất chỉ nhận tiền lót tay 241 triệu đồng để ký khống hợp đồng bán thuốc chứa PSE, xí nghiệp này không nhập khẩu, sản xuất hay tiêu thụ số nguyên liệu PSE nói trên.
Nguồn VOV/IMP