Các triệu chứng teo âm đạo có thể gặp ở nhiều phụ nữ mãn kinh (khoảng 10 - 40%) phần lớn cần được điều trị nhưng chỉ khoảng 1/4 trong số này thực sự tìm đến thầy thuốc.
Hình minh họa.
|
Rối loạn vận mạch tuổi mãn kinh, ví dụ như cơn bốc hỏa xảy ra khi buồng trứng không còn tiết hormon estrogen có thể giảm dần theo thời gian dù có điều trị bằng estrogen hay không, nhưng các triệu chứng teo âm đạo lại thường tiến triển và khó có thể khỏi tự nhiên. Nếu không điều trị, người bệnh có thể phải chịu đựng sự khó chịu nhiều năm và giảm chất lượng sống.
Các triệu chứng thường gặp nhất là khô âm đạo, giao hợp đau, ngứa âm hộ âm đạo, ra khí hư và đau. Cũng có khi kèm đái buốt.
Liệu pháp estrogen tại chỗ
Liệu pháp estrogen dùng tại chỗ với liều thấp để điều trị teo âm đạo trung bình hay nặng được chỉ định nhiều hơn so với estrogen dùng toàn thân. Tuy chưa có những nghiên cứu so sánh có tính thuyết phục nhưng liệu pháp estrogen tại chỗ với liều nhỏ (dạng kem, viên hay dạng vòng đặt âm đạo) tỏ ra có hiệu quả và dung nạp tốt, giảm độ pH âm đạo do phục hồi được vi khuẩn lành tính lactobacilli.
Những dạng thuốc dùng tại chỗ đều có hiệu quả như nhau nhưng ít có tác dụng phụ hơn so với dùng estrogen đường toàn thân.Tỷ lệ hiệu quả của liệu pháp estrogen tại chỗ (với các dạng thuốc) từ 80% đến 90%, cải thiện được các triệu chứng như khô, dễ xây xát và đốm xuất huyết. Tác dụng phụ thường gặp nhất của liệu pháp estrogen tại chỗ là chảy máu âm đạo và đau vú, có khi buồn nôn và đau vùng tầng sinh môn.
Thái độ xử trí và những đánh giá về liệu pháp estrogen tại chỗ
Khi có dấu hiệu khô âm đạo thì có thể dùng ngay thuốc bôi trơn không có hormon (hiện có ở cửa hàng thuốc) và các thuốc tạo độ ẩm cho âm đạo và vẫn nên duy trì quan hệ tình dục.
Kem estrogen là loại thuốc được ưa dùng nhất, thường dùng ở liều lượng 2 - 4g/ngày trong 2 tuần, sau đó có thể giảm liều đủ để duy trì sự cải thiện các triệu chứng. Nếu dùng vòng tiết ra estradiol thì cứ 90 ngày lại thay vòng. Viên nang chứa estradiol thường đặt ở cùng đồ sau âm đạo hàng ngày trong 2 tuần và sau đó giảm liều, chỉ đặt 2 lần mỗi tuần.
Liệu pháp estrogen tại chỗ có hiệu quả với các triệu chứng teo âm đạo nhưng không kiểm soát được các triệu chứng vận mạch và không giảm nguy cơ bị loãng xương. Teo âm đạo do dùng một số thuốc (ví dụ như thuốc chủ vận tiết kích dục tố và thuốc đối kháng, thuốc ức chế enzym aromatose, thuốc điều chỉnh estrogen chọn lọc). Sau khi điều trị bằng liệu pháp tia xạ vùng tiểu khung cũng cần dùng ngay liệu pháp estrogen tại chỗ để kích thích sự tái tạo biểu mô.
Chảy máu âm đạo và đau vú là những tác dụng phụ thường gặp nhất của liệu pháp estrogen tại chỗ nhưng người ta cho rằng kem estrogen gây ra nhiều tác dụng phụ hơn vì bệnh nhân có xu hướng lạm dụng liều lượng nhưng về tác dụng gây quá sản, phát triển niêm mạc dày lên và nhiều sự cố khác thì cũng tương tự.
Không có nhiều nghiên cứu đánh giá về quá sản nội mạc tử cung kèm với liệu pháp estrogen tại chỗ. Không nên dùng liệu pháp này cho phụ nữ bị chảy máu âm đạo/tử cung chưa xác định rõ chẩn đoán nhưng chưa đủ bằng chứng để khuyến cáo phải theo dõi thường xuyên nội mạc tử cung ở những phụ nữ dùng estrogen tại chỗ.
Thường không cần dùng progestin (progesterone tổng hợp) phối hợp với liệu pháp estrogen âm đạo.
Các triệu chứng thường được cải thiện sau vài tuần điều trị và cần tiếp tục chừng nào các triệu chứng chưa hết.
Những phụ nữ bị ung thư phụ thuộc vào hormon không phải là những chỉ định lý tưởng nhưng nếu có các triệu chứng nặng không thể cải thiện được bằng các biện pháp truyền thống thì thầy thuốc có thể xem xét dùng liệu pháp estrogen.
BS. Hồng Ánh
Theo SK&ĐS