Móng chân khô gãy, dùng thuốc nào?


Tôi năm nay 35 tuổi, bình thường, khỏe mạnh; thời gian gần đây móng chân của tôi có hiện tượng khô và gãy, đi khám bác sĩ được chẩn đoán nấm móng.
Bác sĩ chỉ định cho dùng ketoconazole đường uống, nhưng ra hiệu thuốc lại được tư vấn dùng glyseofulvin vì thuốc rẻ hơn mà lại có tác dụng tương tự. Tôi xin hỏi không biết như vậy có đúng không, tôi có thể thay thuốc được không? Tôi xin cảm ơn! (Trần Thu Hương - Hà Tĩnh)
Trả lời:
Glyseofulvin và ketoconazole đều là các thuốc có tác dụng điều trị nấm toàn thân nói chung và nấm da nói riêng. Tuy nhiên khả năng hấp thu, chuyển hóa thải trừ của thuốc có khác nhau, vì vậy tác dụng điều trị, các tác dụng không mong muốn, cũng như chỉ định dùng thuốc có ít nhiều khác nhau.
Glyseofulvin là thuốc ít hấp thu qua đường tiêu hoá. Khả năng này được tăng lên khi uống trong hoặc sau các bữa ăn có nhiều chất béo. Phân bố nhiều ở da, tóc, móng, gan, mô mỡ và cơ xương. Tích luỹ nhiều trong các tế bào tiền thân keratin và có ái lực cao với mô nhiễm bệnh.
Thuốc được chỉ định: điều trị các loại nấm da, tóc và móng nhạy cảm. Tác dụng không mong muốn: thường gặp là nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, ban da, rối loạn cảm giác, viêm dây thần kinh ngoại biên, ngủ gà, chóng mặt, giảm bạch cầu. Do đó thuốc chống chỉ định khi người dùng có rối loạn chuyển hoá porphyrin, suy gan.
Ngược lại, ketoconazole lại là thuốc hấp thu được qua đường uống, tốt nhất ở pH < 7 (tức là khi đói). Thuốc phân bố vào các mô mềm, da, gân và các dịch như nước bọt, dịch khớp, mật, nước tiểu. Thuốc qua nhau thai và sữa mẹ nhưng không qua được hàng rào máu não.
http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/v2012/20120808-131509-1-16061417226-chan.jpeg
Hình minh họa
Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh do nhiễm nấm nhạy cảm ở da, tóc, móng, đường tiêu hoá và nội tạng. Dự phòng và trị nấm ở người suy giảm miễn dịch và viêm da do tăng tiết bã nhờn.
Những tác dụng không mong muốn khi dùng (tùy theo thời gian và liều sử dụng) có thể gặp là buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chảy máu tiêu hoá; thiểu năng tuyến thượng thận, gây chứng vú to ở nam giới và giảm tình dục; có thể gặp nhức đầu, chóng mặt, kích động hoặc ngủ gà, viêm da, phát ban, mày đay, tăng enzym gan.
Vì vậy, tốt nhất bạn không nên tự ý thay đổi đơn thuốc của bác sĩ vừa dễ không khỏi bệnh vừa không lường hết được tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Theo SK&ĐS