NDĐT- “Việc tăng viện phí có hợp tình hợp lý không, chủ yếu vẫn dựa vào sự công tâm, minh bạch của các bệnh viện” – Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định trong hội thảo “Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân” ngày 2-8 vừa qua.
Từ ngày 1/8, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ áp dụng mức viện phí mới với mức tăng khá cao. Hầu hết các tỉnh đều áp dụng viện phí mới ở mức trên 70%, đặc biệt có nhiều tỉnh ở mức trên 90%.
Khẳng định Y tế là dịch vụ công
Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH) khẳng định: các bệnh viện cần phải xây dựng giá viện phí phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế mà đơn vị cung cấp. Bởi dịch vụ y tế là dịch vụ công đặc biệt, phi lợi nhuận vì thế không thể tính đến chuyện có giá trị thặng dư được. Tỉnh nào không xây dựng đúng quy trình đó thì là bất hợp lý.
Ông Sơn cũng cho biết, tính đến ngày 31/7, đã có 42 tỉnh, thành phố thông qua viện phí mới và sẽ đồng loạt áp dụng trong tháng 8 và tháng 9. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa áp dụng giá viện phí mới trong năm nay.
Đa số địa phương đã thông qua mức tăng viện phí mới đều áp dụng ở mức từ 70-75% khung của liên bộ Y tế-Tài chính. Riêng có hai tỉnh có mức đề xuất tăng khá cao là Khánh Hòa và Đồng Tháp áp dụng ở mức từ 93-95%. Hiện nay diện bao phủ BHYT ở bốn tỉnh là Cao Bằng, Khánh Hòa, Ninh thuận, Đồng Tháp còn thấp, chỉ đạt trên 50%.
Như vậy, nếu giá viện phí xây dựng quá cao thì gần 50% dân số chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng trực tiếp gánh chịu hậu quả từ việc tăng viện phí bất hợp lý. Riêng Đồng Tháp, vốn là tỉnh bị bội chi nhiều năm và nay khi xây dựng mức viện phí cao thì khả năng cân đối quỹ là không hề khả quan.
Bên cạnh việc lo ngại giá viện phí tăng vô lý, nhiều người bệnh cũng không khỏi băn khoăn: Liệu tăng viện phí có là “động lực” để các bệnh viện (BV) giữ chân bệnh nhân để thanh toán BHYT.
Trước thông tin này ông Sơn khẳng định: Tăng viện phí là cơ sở để đảm bảo chi phí cho BV cung cấp đủ các chất lượng cho KCB, đấy cũng là biện pháp tích cực để giảm tải BV. Nhưng dù làm gì thì cũng phải đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. “Chúng tôi khuyến khích các dịch vụ y tế cao, khuyến khích tư vấn khám tại chỗ, nhưng không khuyến khích việc BV giữ người bệnh lại để chuộc lợi. BHXH sẽ tập trung giám sát, đánh giá kể từ khi mức tăng giá viện phí có hiệu lực từ đó có biện pháp sửa đổi, tăng mức đóng BHYT cho phù hợp” – Ông Sơn khẳng định.
Dừng điều chuyển khoản nếu dư thừa BHYT
Theo ông Nguyễn Minh Thảo – Phó tổng giám đốc BHXHVN cho rằng: Với việc các tỉnh và các bệnh viện lớn xây dựng giá dịch vụ y tế theo khung giá mới như đã được thông qua thì khả năng vỡ quỹ BHYT là rất cao.
Về vấn đề hiện nay có tình trạng nhiều tỉnh nghèo lại đòi mức giá dịch vụ tăng đến 95%, bà Tiến cho rằng một số địa phương có tâm lý dù có thừa quỹ bảo hiểm y tế họ cũng không được hưởng (hầu hết đều thừa) nên họ đẩy giá dịch vụ cao tối đa cao để lấy nguồn thu thừa này tái đầu tư.
Theo bà Tiến, quan điểm của các tỉnh là thà để các bệnh viện có giá dịch vụ cao để lấy nguồn thu tự tái đầu tư còn hơn là lấy từ ngân sách tỉnh để đầu tư cho bệnh viện địa phương. Vì vậy, không thể nói thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế.
'Thực tế cho thấy phần lớn các tỉnh nghèo đều tăng viện phí và có sự dư thừa quỹ bảo hiểm y tế. Và khi dư thừa quỹ bảo hiểm y tế thì Trung ương lại điều chuyển khoản dư thừa này cho các nơi tiêu dùng nhiều. Như vậy là không công bằng. Sắp tới, Trung ương sẽ điều chỉnh luật về vấn đề này. Nơi nào thừa nhiều quỹ bảo hiểm y tế sẽ được phép cân đối lại nhiều, nơi nào để thâm hụt quỹ thì phải chịu' - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
”Thực chất hiện nay lương cơ bản đã tăng và số tiền đóng cho BHYT cũng tăng theo. Thêm vào đó là đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ giúp tăng nguồn thu bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ rà soát lại tất cả các danh mục thuốc và dịch vụ để phù hợp giữa mệnh giá và gói dịch vụ người bệnh được hưởng để cân đối. Với những biện pháp này, thì thật khó có thể xảy ra thâm hụt quỹ BHYT” - Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế.
MINH NGUYỆT