Tràn lan thuốc giả



Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế liên tục gửi văn bản đến các cơ sở y tế thông báo về việc trên thị trường có nhiều loại thuốc Tây giả.
Thật, giả khó lường!
Khi chúng tôi hỏi mua thuốc xổ giun Fugacar, nhiều tiệm thuốc trên địa bàn TP.HCM cho biết, thuốc này đã hết từ đầu năm. Chủ một tiệm thuốc trên đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh tư vấn: “Các nhà cung cấp chính hãng cho biết, từ hôm Thái Lan xảy ra lũ lụt đến nay, nhà máy sản xuất thuốc Fugacar đã tạm ngừng hoạt động nên không có hàng về Việt Nam. Ngay từ đầu năm, do hết hàng nên giá thuốc bị đẩy từ 17.000đ lên 35.000đ”. Theo lời kể của chủ tiệm thuốc này, cách đây mấy hôm, có một trình dược viên đến đây chào hàng, nhưng ông nghi thuốc giả nên đã từ chối. “Bây giờ thuốc giả nhiều lắm, mấy hôm trước, ngay trên đường này một cơ sở sản xuất thuốc giả bị công an phát hiện”, ông nói.
Cũng trên đường Ung Văn Khiêm, chúng tôi mua được thuốc Fugacar tại tiệm thuốc N.T. với giá 22.000đ. Tương tự, tại nhà thuốc C.K. đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuốc Fugacar bán với giá 20.000đ. Các loại thuốc Fugacar mà chúng tôi tình cờ mua được đều khác so với loại thuốc thật khi so sánh; chúng chỉ… giống với cảnh báo thuốc giả mà Văn phòng đại diện Công ty Janssen Cilag Ltd. tại Việt Nam đã trình với Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Trên vỏ hộp thuốc thật, các thông tin về số lô, ngày sản xuất, hạn dùng được in chìm (in dập); trong khi hộp thuốc giả lại in thường. Ngoài ra, trên chữ số “1” bên ngoài vỏ thuốc giả được in dòng chữ tiếng Anh “one tablet only 500mg”, chứ không phải tiếng Việt “một viên nén duy nhất 500mg” như thuốc thật... Cũng trên vỉ thuốc giả, thông tin số lô sản xuất, hạn dùng được in màu xanh tối, không nhòe; trong khi thuốc thật lại in nhòe và màu xanh.
Chỉ trong hai tháng, Cục Quản lý dược đã gửi thông báo đến sở y tế các tỉnh/thành về việc phát hiện nhiều loại thuốc Tây giả như: thuốc viên nén Fugacar dùng xổ giun, thuốc Levitra 20mg chữa chứng rối loạn cương dương, thuốc tiêm Voltarén® 75mg dùng điều trị giảm đau, viêm khớp mạn tính. Chưa kể, cuối năm ngoái, nhiều loại thuốc làm giả như: Zinnat, Dologesis (Nimesulide 100mg)… cũng bị phát hiện. Riêng thuốc tiêm Voltarén® 75mg giả thì được các cơ quan chức năng phát hiện do Công ty TNHH dược phẩm Vân Sơn, tỉnh Hưng Yên phân phối. Thuốc Voltarén® 75mg giả có ghi số lô: 50799, hạn dùng đến tháng 3/2014, tên nhà sản xuất: Novartis Farmacéutica, SA Gran Via de les Cots Catalanes, 76408013 Barcelono… nhưng không có số đăng ký, tem nhập khẩu. Và sau khi bóc nhãn trên ống thuốc tiêm của công ty này lại thấy các dòng chữ của Công ty cổ phần dược phẩm Vĩnh Phúc, với nội dung: “C.Ty CPDP Vĩnh Phúc DICLOFENAC - Diclofenac natri 75mg/3ml”.
Nhiều loại thuốc giả được phát hiện nhưng không biết thủ phạm ở đâu. Với thuốc xổ giun giả Fugacar, nhà sản xuất chỉ biết thuốc giả đang lưu hành tại TP.HCM và khuyến cáo người tiêu dùng “nếu nhìn kỹ sẽ phân biệt được thuốc thật với thuốc giả”. Với thuốc Levitra 20mg, Văn phòng đại diện Công ty Bayer Pte., Ltd. tại Việt Nam cho biết, số lô thuốc giả BXB8551 này được phát hiện tại TP.HCM. Thực tế, lô thuốc này chỉ được lưu hành hợp pháp tại Anh và đã hết hạn sử dụng từ năm 2005. Hiện nay, trên thị trường một số nước lại phát hiện lô thuốc này, nhưng hoàn toàn không có hoạt chất Vardenafil monohydrochloride trihydrate - dùng điều trị tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới.
Buông lỏng hậu kiểm
PGS-TS-DS Trương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM - khẳng định, nếu nhà sản xuất không chỉ ra được cụ thể điểm phân biệt giữa thuốc giả và thuốc thật thì bác sĩ, dược sĩ cũng như người bệnh không thể nhận biết. Mục tiêu của thuốc giả là lợi nhuận; nguồn nguyên liệu làm thuốc giả có thể là thuốc hết hạn sử dụng, biến chất, tá dược và hoạt chất không đảm bảo độ tinh khiết… nên sẽ không đạt hiệu quả, an toàn khi sử dụng. Thuốc giả không chỉ gây ra các tác dụng không mong muốn, gây dị ứng hoặc các tác hại nguy hiểm tức thời mà còn diễn tiến âm thầm sau đó làm hại gan, thận, hệ thần kinh, tiêu hóa, tim mạch…
Cơ quan chức năng từng phát hiện những vụ “sản xuất” thuốc từ... bột mì. DS Nguyễn Hoàng Thuyên, Q.5 cho biết, bột mì không có tác dụng trong điều trị, khiến diễn tiến bệnh nặng hơn, phức tạp hơn và có thể tử vong nếu không phát hiện kịp thời. Chưa kể, nếu sử dụng thuốc có hàm lượng không đúng theo đăng ký, nhất là các kháng sinh không đáp ứng đúng phác đồ điều trị, sẽ gây lờn thuốc.
“Thuốc giả có “đất sống” một phần do cách bán thuốc tùy tiện của các nhà thuốc. Theo quy định, các thuốc thuộc nhóm: tim mạch, huyết áp, tiểu đường, kháng sinh… buộc phải kê đơn, thế nhưng người bệnh vẫn rất dễ dàng mua không cần toa ở nhà thuốc. Mặt khác, đây cũng là nhóm thuốc đắt tiền, bệnh nhân phải dùng dài ngày nên là điều kiện để thuốc giả xuất hiện. Để hạn chế tình trạng thuốc giả, các nhà thuốc, bệnh viện cần phải nhập thuốc từ các nhà phân phối dược phẩm chính thức, đây là cách giúp cho các nhà sản xuất thuốc chân chính giảm được thiệt hại về uy tín và kinh tế” - PGS Trương Văn Tuấn chia sẻ.
Một nhà sản xuất cho hay, dù có thay đổi công nghệ, mẫu mã… thì thuốc giả vẫn “thích ứng” kịp thời. Do đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát, quản lý việc bán tự do các nguyên liệu, vỏ nang, ống tiêm, máy dập viên hoặc nơi in ấn mẫu mã lậu… Thậm chí, trong các hội chợ, hội thảo về dược hay tại một số công ty dược vẫn diễn ra việc chuyển nhượng, bán thanh lý máy móc cũ, lỗi thời. Ngay cả các công ty sản xuất trang thiết bị y tế cũng sẵn sàng đáp ứng các máy dập viên cho đối tác mà không cần biết họ sử dụng vào mục đích gì. Đó là điều kiện để thuốc giả sinh sôi.
Thực tế, việc phát hiện thuốc giả phụ thuộc chủ yếu từ nhà sản xuất bị làm giả, thông qua thuốc giả được chào giá rẻ trên thị trường, phát hiện nhiều người dùng thuốc bị tai biến, thuốc bị biến chất nhanh so với trước đây… Rõ ràng, quá trình hậu kiểm vẫn còn buông lỏng. Nhà sản xuất chỉ biết khuyến cáo người tiêu dùng “nhìn kỹ” để phân biệt đâu là thuốc thật, thuốc giả, chẳng khác nào “đánh đố” người dùng.
 
Theo Phụ Nữ