Theo công bố tại hội nghị Khoa học Quốc gia ngành Răng hàm Mặt và Triển lãm Nha khoa Quốc tế lần thứ 4 (tháng 7/2011), Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ người dân mắc bệnh răng miệng thuộc hàng cao nhất thế giới với 90%.
Phó giáo sư Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương Hà Nội nhận định, thực trạng răng miệng đáng báo động tại Việt Nam hiện nay là có đến trên 90% người dân có vấn đề về răng miệng, chủ yếu là mắc bệnh sâu răng. Đều đáng lo ngại hơn là nhiều người dân vẫn chưa biết dự phòng bệnh sâu răng và cách chải răng đúng cách.
Thực tế cho thấy đa phần người Việt Nam tìm đến bác sĩ răng hàm mặt (trừ mục đích thẩm mỹ) khi thấy răng có vấn đề, cụ thể là sưng tấy, đau nhức do sâu răng, viêm nướu, lợi nặng… Ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng định kỳ ở người dân còn thấp, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cao, đặc biệt là sâu răng.
Ông Hải cho biết, bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi… là các bệnh có tỷ lệ người mắc cao ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi học đường.
Theo kết quả điều tra răng miệng gần đây cho thấy, toàn quốc có trên 60% người bị sâu răng. Đặc biệt, có khoảng 85% trẻ em từ 6-8 tuổi bị sâu răng, mỗi trẻ trung bình có tới 6 răng sâu và phần lớn bệnh nhân mắc bệnh không được điều trị kịp thời.
Bên cạnh bệnh sâu răng có tỷ lệ mắc cao, còn có trên 80% người trưởng thành bị bệnh viêm lợi hoặc viêm quanh răng. Các trường hợp bị viêm quanh răng thường có nguy cơ mất răng sớm nếu không được điều trị kịp thời.
Chế độ ăn uống, cách thức vệ sinh răng miệng là hai nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe răng miệng của mọi người. Ngoài ra, stress cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Hầu hết các bệnh về răng miệng ở những giai đoạn đầu thường tiến triển âm thầm và không đau nên rất khó phát hiện. Đến khi sâu, viêm nặng, vết sâu sẽ lan đến tủy răng, nơi có chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu, nó có thể sẽ gây ra những cơn đau nhức liên miên. Đến giai đoạn này, các phương án chọn lựa cho điều trị sẽ bị hạn chế, phức tạp, tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian và không có khả năng hồi phục như ban đầu.
Do đó, để duy trì sức khỏe răng miệng lành mạnh, bên cạnh việc cải thiện thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày tại nhà đúng cách, việc khám răng định kỳ cũng nên được duy trì đều đặn.
Chăm sóc răng miệng
Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu hàng nghìn mẫu nước tại khắp các tỉnh thành của Việt Nam, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa đều cho kết quả thiếu fluor trầm trọng. Ở nhiều nơi thậm chí không hề có fluor ở nguồn nước ăn, tiềm ẩn đầy rẫy nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Fluor là chất có tác dụng làm cứng men răng, ngừa sâu răng hữu hiệu. Việc phối hợp sử dụng muối fluor trong cộng đồng và biện pháp đánh răng có fluor tạo nên hiệu quả trong phòng chống sâu răng, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa nơi không có các cơ sở chăm sóc về răng hàm mặt.
Hiện nay, việc sử dụng kém đánh răng có chứa fluor để phòng bệnh răng miệng là cách đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, có khá nhiều người vẫn thực hiện đúng cách khiến việc dự phòng trở nên mất tác dụng.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thực hiện thời gian chải răng tối thiểu là hai phút. Sau khi đánh răng, người dân không nên súc miệng, ăn uống sau đó hai tiếng đồng hồ. Đối với trẻ em, các cha mẹ nên bắt đầu thực hiện việc chải răng cho trẻ em ngay từ khi có chiếc răng sữa đầu tiên.
Trong chế độ ăn uống, các bậc phụ huynh cho trẻ ăn nhiều những thức ăn tốt như trái cây, ngũ cốc, giảm những thức ăn có đường nhiều cũng giúp dự phòng sâu răng. Bên cạnh đó, họ cũng cần thường xuyên kiểm tra răng cho trẻ. Nếu phát hiện răng trẻ có những đốm đen thì cần đưa bé đến bác sỹ nha khoa để điều trị sớm và kịp thời.
Minh Hải
Theo Vietbao