Viêm nhiễm đường sinh dục là sự phát triển quá mức bình thường của các tác nhân gây bệnh ở đường sinh dục hoặc nhiễm từ bên ngoài khi gặp các điều kiện thuận lợi.
Thông thường nhiễm khuẩn đường sinh dục chỉ gây khó chịu cho người bệnh với các triệu chứng như tiết dịch âm đạo nhiều, hoặc dịch bất thường, đau, ngứa, rát, nặng hơn có thể bị rong huyết, chảy máu.
Nhiễm khuẩn đường sinh dục thường không gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng nên chị em hay coi thường, không đi khám chữa đúng chuyên khoa. Chị em thường tự pha hoặc tự mua thuốc vệ sinh phụ nữ (TVSPN) về rửa, thậm chí bơm, thụt mà không cần biết loại nào phù hợp với bệnh nào. Vì vậy, có nhiều trường hợp càng rửa bệnh càng nặng.
Tác dụng của TVSPN
Đa số các TVSPN dùng được mọi lúc với mục đích vệ sinh, đặc biệt là các thuốc có nguồn gốc thảo dược. Nhưng có một điều chị em cần hiểu rằng, TVSPN không chữa được các bệnh viêm đường sinh dục, chúng chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị các triệu chứng như rát, ngứa, hôi, ẩm ướt... các mầm mống gây viêm đường sinh dục không thể khỏi hoàn toàn nếu không dùng thuốc.
Trong thành phần TVSPN có một số chất tạo mùi thơm, tạo cảm giác thơm tho sạch sẽ cho chị em. Một số loại có thành phần thuốc để chữa bệnh, chúng có chất tạo bọt, sát khuẩn nhẹ. Có loại không mùi và có loại có mùi hương để khử mùi hôi, chúng làm thay đổi môi trường pH âm đạo, hạn chế mầm bệnh. Một số TVSPN có thành phần chống ngứa, có thể dùng khi bị nấm ngứa.
Tuy vậy, chị em cũng không nên lạm dụng TVSPN, có thể gây mất cân bằng sinh thái môi trường âm đạo. Trước khi dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu không có bệnh gì, tốt nhất chị em nên dùng nước nấu chín để rửa.
Tác hại của việc tự ý dùng TVSPN
Nhiều chị em khi có triệu chứng ngứa, rát thường mua TVSPN về thụt rửa mà không lường đến tác hại của việc này.
Trước hết, tự thụt rửa có thể diệt trực khuẩn có lợi (trực khuẩn DODERLEIN có tác dụng duy trì độ pH thích hợp), tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển như: trùng roi, nấm, hoặc có thể diệt tinh trùng khi bạn đang muốn có em bé.
Đồng thời, việc dùng dụng cụ để thụt rửa không đúng cách có thể gây tổn thương âm đạo. Mặt khác, khi thụt TVSPN vào âm đạo chúng sẽ chảy ra ngay, vì vậy sẽ không có tác dụng điều trị viêm nhiễm.
Thụt rửa trong tình trạng viêm nhiễm âm hộ, âm đạo có thể gây nhiễm trùng ngược lan rộng, khiến tình trạng viêm nhiễm đang ở một chỗ sẽ lây lan rộng, bệnh trầm trọng và khó chữa hơn.
Trong trường hợp có triệu chứng viêm người bệnh nên đi khám để bác sĩ chỉ định đặt thuốc.
Thực tế, có trường hợp khi âm đạo bị ngứa người bệnh tự mua TVSPN về dùng, nhưng không hiểu lý do tại sao không những không giảm được ngứa mà còn bị nặng hơn. Đó là do người bệnh đã sử dụng loại TVSPN có độ pH không phù hợp với độ pH tự nhiên của âm đạo. Môi trường tự nhiên của âm đạo có độ pH = 3,8 - 4,8, nếu khi bị nấm ngứa người bệnh sử dụng loại TVSPN có độ pH dưới 4,5 (thấp hơn độ pH của âm đạo) sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển. Những loại TVSPN có độ pH dưới 4,5 chỉ dùng trong trường hợp không nhiễm nấm.
Sử dụng TVSPN thế nào cho đúng?
Hiện nay có rất nhiều loại TVSPN với một số thành phần có tác dụng diệt khuẩn, chống ngứa, thay đổi môi trường âm đạo (do pH), chất tạo mùi thơm... như: Cytéal, Lactacyd FH, Betadin, Carefree, Saforelle, Dạ hương, Gyterbac, dung dịch Natri bicacbonat, dung dịch muối sinh lý... nhưng không phải thuốc rửa nào cũng dùng được cho tất cả các bệnh.
Vệ sinh hàng ngày: Nên dùng những dung dịch vệ sinh có thành phần thảo dược như Dạ hương, Carefree trà xanh... tạo độ ẩm tự nhiên cho âm đạo.
Khi bị nấm ngứa: Không nên dùng TVSPN có độ pH dưới 4,5. Nếu bạn đang dùng dung dịch Lactacyd có độ pH 3,5 hàng ngày thì nên dừng lại. Như đã nói ở phần trên, nếu độ pH của TVSPN thấp hơn độ pH của âm đạo sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm phát triển (hiện trên thị trường sắp có Lactacyd có độ pH phù hợp với độ pH tự nhiên của âm đạo có thể dùng hàng ngày). Trong trường hợp này bạn có thể dùng dung dịch Carefree hoặc loại dung dịch có tính pH kiềm hoá môi trường âm đạo như Phytogyno, Bicarso, dung dịch Natri bicacbonat, Saforelle, Betadin, Cyteal có thành phần chống ngứa.
Viêm nhiễm do Trichomonas: Bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại có tính pH axit hoặc có Metronidazole như Lactacyd FH, Metrogyl.P, Gynoformine...
Sau khi sinh nở: Để nhanh lành vết thương sau khi sinh có thể dùng Betadine hoặc dung dịch Cyteal, Dạ hương, có tính sát khuẩn, khử mùi, có thành phần thảo dược lành tính.
Viêm loét: Ngoài việc dùng thuốc có thể kết hợp sử dụng Betadin để nhanh lành vết thương.
Kỳ kinh nguyệt: Thời gian này, cổ tử cung hé mở nên dễ viêm nhiễm đường sinh dục, bạn nên dùng TVSPN để rửa hàng ngày như Lactacyd FH, Dạ hương... Những dung dịch này sẽ khử mùi khó chịu, tạo cảm giác khô ráo.
Trước và sau khi quan hệ: Có thể dùng bất cứ loại TVSPN nào để rửa. Dùng TVSPN để rửa ngoài không được thụt vì thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng nếu bạn muốn có em bé. Nên vệ sinh cho cả hai vợ chồng.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian nhiều chị em dùng lá chè xanh nấu lấy nước dùng làm nước vệ sinh hàng ngày, nhưng cần lưu ý, hiện nay chè xanh cũng hay bị phun thuốc bảo vệ thực vật, khi dùng phải rửa thật sạch nếu không có thể sẽ nhiễm thêm bệnh khác.
Khi có triệu chứng viêm nhiễm khác cần đi khám để có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý: TVSPN dạng nước, có loại có thể dùng trực tiếp có loại cần pha loãng với nước, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Nếu TVSPN là dạng bột, khi dùng hãy pha chế theo hướng dẫn sử dụng.
Theo SK&ĐS