TP.HCM chưa tăng viện phí


Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết:

Giá viện phí được điều chỉnh nằm trong lộ trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện. Từ ngày 1-8, một số bệnh viện được phê duyệt khung giá mới đã bắt đầu áp dụng.
“Khi gói giá dịch vụ y tế thay đổi thì chất lượng gói dịch vụ y tế cũng tăng lên. Như vậy người nghèo (được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế) hưởng lợi từ dịch vụ cũng tăng, chỉ người nào không mua thẻ bảo hiểm y tế rõ ràng sẽ bị tác động. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, Chính phủ và các ngành nỗ lực được như vậy là điều đáng khích lệ. Bước tiếp theo là tiếp tục vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Từng bước sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” - PGS Khuê nói.
Bệnh nhân thanh toán tiền khám bệnh và thuốc BHYT tại BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Ảnh: HTD
Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ ngày 1-8 có 10 tỉnh, thành và 5/38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế áp dụng giá viện phí mới với mức tăng 20-70 lần so với giá viện phí cũ. Nhiều tỉnh tăng 93%-95%, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tăng 90%-95% so với khung giá tối đa quy định nên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đề nghị xem xét lại cho phù hợp. Tại phía Nam, BV Chợ Rẫy đang được yêu cầu tính toán lại mức điều chỉnh viện phí theo đề nghị của Bộ Y tế. Dự kiến đến cuối tháng 8, nhiều tỉnh, thành và bệnh viện trung ương sẽ đồng loạt áp dụng giá viện phí mới.
Tại TP.HCM, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn còn trong quá trình xem xét mức giá xin điều chỉnh của các bệnh viện. Dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ áp dụng giá mới nhưng có thể sẽ không kịp. Theo thông tin của chúng tôi có được, mức giá viện phí mà các bệnh viện TP xin điều chỉnh lần này ở mức 90% trở xuống so với giá tối đa quy định.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thực hiện xong dự thảo Chỉ thị nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay trình bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
Nội dung cơ bản của chỉ thị là tập trung vào hai vấn đề: Thứ nhất, đề nghị giám đốc các Sở Y tế, các bệnh viện tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là khu vực khám bệnh, tập trung bệnh đông. Có quy trình khám, chữa bệnh công khai minh bạch như bảng điện tử và phòng chờ, ghế chờ, quạt, đường đi, hướng dẫn, chỗ lấy xét nghiệm, trả xét nghiệm… tất cả phải thuận tiện. Thứ hai, không để tình trạng nằm ghép, phải cử bác sĩ ra phòng khám để giải quyết cho cả nội trú và ngoại trú, giảm thời gian chờ đợi và đảm bảo quyền lợi bệnh nhân. Thực hiện dự án bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho chuyên khoa. Tiếp tục Đề án 1816 về chuyển giao kỹ thuật và về nâng cao năng lực tuyến dưới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, nhằm mang lại công bằng cho người bệnh nghèo. Tập trung xây dựng dự án bác sĩ gia đình hoàn thiện vào cuối năm nay.
DUY TÍNH