Nhiều Bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương đã áp giá viện phí mới sau khi được phê duyệt.
Đáng ra các bệnh viện phải có sự chuẩn bị chu đáo trước khi tăng giá viện phí nhưng thực tế, nhiều nơi đã tăng giá rồi mà chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu nhúc nhích.
Viện phí tăng, bệnh viện ngổn ngang
Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu áp giá viện phí mới từ ngày 16/7 và tăng 100% (gồm 447 dịch vụ) số lượng dịch vụ, kỹ thuật có trong danh mục của thông tin liên bộ. Mức giá mà bệnh viện này được phê duyệt là 95% khung giá tối đa được liên bộ Y tế - Tài chính ban hành.
Theo quy định, khi tăng giá viện phí, bệnh viện phải cải thiện điều kiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân, trang bị đầy đủ điều hòa, ghế ngồi… Ngoài ra, giá viện phí mới phải được niêm yết công khai để người bệnh biết, đặc biệt là mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện đã thực hiện thu giá viện phí mới nhưng những điều này không phải nơi nào cũng thực hiện.
Tại bệnh viện Bạch Mai, hiện tại giá viện phí mới đã đưa vào áp dụng từ nửa tháng nay nhưng bảng giá mới vẫn chưa được niêm yết. Lãnh đạo bệnh viện cho biết hiện khung giá này mới chỉ được nhập vào hệ thống máy tính của bệnh viện chứ chưa kịp thông báo công khai cho người bệnh ở khu vực khám chữa bệnh.
“Việc công khai, niêm yết giá này sẽ được thực hiện trong tuần tới”, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện cho hay.
Ngoài ra, toàn bộ khu khám chữa bệnh ngoại trú của bệnh viện hiện mới bắt đầu bước vào quá trình sửa sang, nâng cấp để phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Đây là việc đáng ra phải được chuẩn bị từ trước khi tăng viện phí nhưng hiện giờ bệnh viện mới tiến hành, khiến khung cảnh ở khoa khám bệnh khá lộn xộn và bệnh viện hoạt động trong trạng thái “vừa khám vừa sửa”..
Do đó, có tình trạng viện phí mới đã áp rồi nhưng người bệnh vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình. Họ vẫn phải ngồi chờ đợi khám bệnh la liệt trong bệnh viện do không đủ ghế, thậm chí có người còn nằm ngủ ngon lành dưới sàn nhà!
Tại bệnh viện K – 1 trong 5 bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt viện phí mới – đã bắt đầu áp giá viện phí mới từ 20/7 nhưng tính đến thời điểm này, bảng giá viện phí mới vẫn chưa được niêm yết công khai. Khu vực thanh toán viện phí, bảng giá thu một phần viện phí vẫn là bảng giá cũ.
Bệnh viện K đã áp viện phí mớitừ 20/7 nhưng vẫn chưa công khai niêm yết giá mới |
Tại bệnh viện Việt Đức, giá viện phí mới đã được niêm yết công khai nhưng lại bị dán quá cao khiến người bệnh muốn xem được phải “mỏi cổ”. Ngoài ra, theo quan sát, các khoa phòng, khu vực khám chữa bệnh của các bệnh viện này cũng chưa được cải thiện gì nhiều so với thời điểm trước khi tăng viện phí.
Lãnh đạo Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sở dĩ có tình trạng này là vì hôm nay tăng viện phí thì điều đó không có nghĩa là ngày mai bệnh viện đã khác ngay. Tuy nhiên, thực tế là việc tăng viện phí đã được chuẩn bị từ lâu và đáng ra ngành y tế phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện đi kèm khi bắt đầu áp giá viện phí mới.
Trao đổi với báo chí về tình trạng các bệnh viện “vẫn chưa có gì khác” so với thời điểm trước khi tăng viện phí, thậm chí không công khai bảng giá viện phí mới, ông Lê Văn Phúc, trưởng phòng BHYT (Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN) cho biết cần phải xem xét lại vì trước khi thực hiện viện phí mới, Bộ Y tế đã có công văn 2210 ngày 16/4/2012 hướng dẫn thực hiện giá viện phí mới trong các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có nêu rõ những việc bệnh viện cần phải làm trước khi tăng viện phí.
"Chưa chuẩn bị gì đã thực hiện!"
Khánh Hòa là một trong 4 địa phương phê duyệt giá viện phí rất cao (91% mức tối đa của khung) và UBND tỉnh đã có quyết định áp dụng giá viện phí mới từ 1/8. Tuy nhiên, do quyết định này mới được ký ngày 31/7 nên toàn bộ các cơ sở y tế trong tỉnh bắt đầu áp giá viện phí mới từ 2/8.
Trao đổi về tình hình chuẩn bị (cơ sở vật chất, con người) để phục vụ người bệnh khi viện phí tăng, ông Nguyễn Tuân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, đến giờ này các đơn vị y tế trong toàn tỉnh "chưa có chuẩn bị gì hết", người dân cũng chưa biết thông tin nhiều về vấn đề tăng viện phí.
Điều này sẽ gây ra những tác động không tốt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh khi tăng viện phí.
Bệnh nhân ngổn ngang ngồi chờ ngoài sân bệnh viện Bạch Mai. Nhiều địa phương, bệnh viện chưa trang bị và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được tăng viện phí nhưng đã thực hiện thu viện phí mới |
"Bệnh viện được thu tối đa giá khám bệnh, giá giường bệnh, nhưng chưa chuẩn bị xong và chưađápứngđược các yêu cầuđểđược thuở mức giáđóthì phải làm thế nào? Ví dụ anh được thu tiền công khám là 20 ngàn đồng/lượt, nhưng với điều kiện phòng khám phải có điều hòa. Nay điều hòa anh chưa trang bị thì sẽ tính ra sao?", ông Tuân đặt câu hỏi.
Theo ý kiến của BHXH tỉnh Khánh Hòa thì việc áp giá viện phí mới nên thực hiện có lộ trình để các đơn vị có thời gian chuẩn bị, tránh gây sốc cho các bên. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cho biết trong thông tư 04 không nói đến lộ trình và Khánh Hòa dù duyệt giá cao nhưng vẫn chưa vượt khung, do đó vẫn sẽ áp dụng giá viện phí mới từ 1/8!
Cũng do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên nhiều người bệnh vẫn "ngơ ngác" với giá viện phí mới.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi tăng viện phí, bệnh viện đã chuẩn bị khâu truyền thông để người bệnh nắm rõ. Dù chưa niêm yết công khai giá nhưng các nhân viên bệnh viện đều có giải thích với người bệnh khi thu tiền.
Tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều bệnh viện áp giá viện phí mới nhưng người bệnh vẫn “ngơ ngác”, thậm chí còn chưa biết viện phí đã tăng, tăng ở mức độ nào, trong khi đây là vấn đề thiết thân với họ (bệnh nhân BHYT phải đồng chi trả 5-20%).
Bệnh nhân chỉ còn phải chờ 4-6 tiếng Bệnh viện Bạch Mai có kế hoạch chi 20 tỷ đồng để nâng cấp khu vực khám bệnh khi tăng viện phí (gồm cả phòng khám, phòng chờ, nhà vệ sinh, …). Ngoài ra, khu vực nội trú cũng được chi 30 tỷ để mua trang thiết bị, phục vụ người bệnh (thay điều hòa mới ở phòng mổ, phòng đẻ, hồi sức cấp cứu, …) đồng thời mua thêm máy thở, kê thêm giường bệnh, tăng bàn khám từ 30 lên 60 để giúp người bệnh không còn phải chờ đợi lâu. “Hiện nay mới chỉ có khoảng 50 phòng khám hoạt động, khiến thời gian chờ đợi giảm nhiều. Trước đây bệnh nhân phải chờ 7-8 tiếng, nay chỉ 4-6 tiếng là khám xong”, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết. Song song với việc này, hệ thống công nghệ thông tin cũng được nâng cấp để phục vụ người bệnh tốt hơn, khâu cấp thuốc cũng được cải cách và bệnh viện động viên cán bộ đi làm sớm (từ 7h sáng) để không có bệnh nhân nào phải chờ đến ngày hôm sau. |
Theo Cẩm Quyên
Vietnamnet