Bụt chùa nhà không thiêng?


Dù giá bán luôn cao ngất ngưởng và rất khó kiểm soát về chất lượng nhưng nhiều năm nay trên thị trường, thuốc ngoại luôn lấn át thuốc nội. Câu hỏi giải pháp hữu hiệu nào giúp thuốc nội “lên ngôi” do đó ngày càng nóng hơn.

Theo khẳng định của cả lãnh đạo Bộ Y tế và các doanh nghiệp dược, hiện nay chất lượng thuốc nội ngày càng được nâng cao và thường có giá rẻ hơn so với thuốc nhập ngoại cùng loại nhưng “bụt chùa nhà không thiêng”, lượng tiêu thụ thuốc nội lại ngày càng giảm.

Chất lượng tăng

“Những năm qua, ngành Dược Việt Nam đã có những thay đổi lớn, thuốc sản xuất trong nước (gọi là thuốc nội) đã đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng và điều trị bệnh cho nhân dân. Các nhà máy dược phẩm đã được đầu tư những dây chuyền hiện đại. Chất lượng thuốc ngày càng nâng cao và giá thuốc rẻ hơn hẳn so với thuốc nhập ngoại cùng loại”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

 
“Sính” thuốc ngoại, bệnh nhân càng phải chịu gánh nặng kinh tế.

Hiện nay, cả nước có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược. Đặc biệt, số lượng cơ sở sản xuất thuốc đạt Tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) ngày một tăng, từ 2 doanh nghiệp năm 1997 lên 113 doanh nghiệp năm 2011. Đến nay, 98 doanh nghiệp sản xuất tân dược đều đạt GMP theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (GMP - WHO).

Nhiều doanh nghiệp dược, nhất là tại TP.HCM đã và đang tăng cường đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt cả tiêu chuẩn GMP của châu Âu (GMP - EU). Nhờ vậy, chất lượng thuốc nội ngày được nâng cao, bên cạnh những dạng thuốc truyền thống như viên nén, viên nang, thuốc nước, nhiều dạng bào chế mới phục vụ nhu cầu điều trị đã được sản xuất như: Thuốc đông khô, khí dung, thuốc vi nang, thuốc giải phóng hoạt chất chậm... Thuốc nội cũng đang được xuất khẩu sang một số thị trường như: Đức, Phần Lan, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Xinhgapo...

“Bên cạnh những loại thuốc thông thường, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thuốc nội thuộc nhóm bệnh tim mạch, tiểu đường, thần kinh... Các thuốc sản xuất trong nước ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị, đáp ứng 234/314 hoạt chất trong Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam và đầy đủ 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của WHO“, ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Nhưng sử dụng giảm

Tuy nhiên, điều trớ trêu là việc sử dụng thuốc nội tại chính các cơ sở điều trị công lập và trên thị trường lại đang có xu hướng giảm đi. “Trong các năm gần đây, giá trị thuốc nội so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng đang giảm dần, từ 52,85% năm 2007 xuống còn 47,82% năm 2011”, một đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết.

“Phân tích kết quả trúng thầu thuốc trong thanh toán Bảo hiểm Y tế (BHYT) tại tỉnh Vĩnh Long cho thấy, tỷ lệ chi phí sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tỉnh này cũng có xu hướng giảm: Năm 2011, chi phí thuốc nội tương đương với 40% tổng chi phí thuốc nhưng năm 2012 chi phí này giảm còn 39%. Tỷ lệ mặt hàng thuốc nội cũng giảm từ 54% (năm 2011) xuống còn 30% (năm 2012). 

Tại tỉnh Phú Yên cũng tương tự, nếu năm 2011 tỷ lệ chi phí thuốc nội tương đương 78% tổng chi phí thuốc thanh toán BHYT thì năm 2012 chỉ còn có 40%, tỷ lệ mặt hàng thuốc nội từ 78%, giảm xuống còn 75%”, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết.

Khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh về tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các tuyến bệnh viện trong năm 2010 cho thấy, thuốc sản xuất trong nước được dùng tại 1.018 bệnh viện công lập có tỷ lệ thấp, chỉ bằng khoảng 38,7% và càng lên tuyến trên thì tỷ lệ sử dụng thuốc nội càng giảm. Tại các bệnh viện trung ương, tỷ lệ này chỉ chiếm 11,9%, tại bệnh viện tỉnh/thành phố là 33,9%, còn tại tuyến huyện là 61,6%.

Tại sao thuốc nội lại thua ngay trên sân nhà trong khi các doanh nghiệp dược Việt Nam ngày càng áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng ngày một nâng cao, giá cả hợp lý và có thể đáp ứng cơ bản đủ thuốc thiết yếu trong nước...?

“Khi đã nhập khẩu thuốc ngoại vào Việt Nam thì rõ ràng các doanh nghiệp dược phải có thủ thuật để bán được hàng. Từ nhiều lợi thế, nhất là sự bất cập trong việc các nhà quản lý chưa kiểm soát được giá nhập khẩu thuốc ngoại, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tác động tới đội ngũ bác sĩ thông qua hình thức không chính thức (hoa hồng - PV) hoặc bằng "mác ngoại” và các giấy tờ chứng minh chất lượng thuốc do nước sở tại cấp... 

Ngoài ra, còn khá nhiều lý do khác nên bao nhiêu năm nay thuốc nội vẫn thua ngay trên sân nhà”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, xót xa nhận định.

Theo PGS.TS Phong Lan, có thể tạm chia các loại thuốc trên thị trường hiện nay ra làm 2 loại chính: Một là biệt dược gốc, là thuốc mới phát minh, được cấp phép lưu hành lần đầu tiên trên cơ sở đã có đầy đủ các số liệu về chất lượng, an toàn và hiệu quả. 

Nhiều quốc gia trên thế giới chưa có điều kiện triển khai nghiên cứu và tự sản xuất được các loại thuốc biệt dược gốc, đồng thời do có thời gian độc quyền sản xuất (khoảng 20 năm) nên giá thành cùa loại thuốc này rất cao. Hai là thuốc Generic, là thuốc thành phẩm nhằm thay thế thuốc mới phát minh, được sản xuất không có giấy phép nhượng quyền của công ty phát minh và được đưa ra thị trường sau khi các quy định về độc quyền phát minh hết hạn. Và hiện tại, thị trường dược phẩm Việt Nam đang có rất nhiều loại thuốc Generic, trong đó phần lớn là thuốc nhập ngoại nhưng chất lượng ra sao thì ngay các nhà quản lý Việt Nam cũng không thể khẳng định vì chưa kiểm soát được.

Phương Liên