Phương pháp phát hiện vi khuẩn Helicobacter Pylori


Ngày nay, vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P) được coi là nguyên nhân chính gây ra loét dạ dày hành tá tràng và cũng được chính thức coi là nguyên nhân gây ra ung thư biểu mô dạ dày và u  lympho của dạ dày (MALT- mucosa associated lympho tissue). Vậy làm thế nào để phát hiện ra vi khuẩn này để điều trị hiệu quả?

Không chỉ gây ra các bệnh lý ở dạ dày mà nhiễm H.P có liên quan tới chứng khó tiêu chức năng (Funtional dyspesia), xuất huyết giảm tiểu cầu tiên phát, đái tháo đường týp II, xơ hóa động mạch và có liên quan tới bệnh mạch vành như nhồi máu cơ tim. Để chẩn đoán bệnh nhân có nhiễm H.P hay không, người ta tiến hành các biện pháp sau:
 Vi khuẩn Helicobacter Pylori.
Test thở: Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Phương pháp xét nghiệm này dựa vào cacbon đánh dấu: C13 hoặc C14. Cả hai loại cacbon này đã được Cục quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ cho phép dùng xét nghiệm trên người (FDA), tuy nhiên, C14  không được dùng ở phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Trong trường hợp có nhiễm H.P tại dạ dày thì vi khuẩn sẽ tiết ra urease. Men urease sẽ phân hủy urê trong dạ dày thành amoniac và CO2. Vì vậy khi cho  uống C13 hoặc C14, nếu người đó có nhiễm H.P thì sẽ thu được CO2 có chứa cacbon đánh dấu trong khí thở ra. Để đảm bảo cho xét nghiệm được chính xác, người bệnh không được dùng kháng sinh, thuốc giảm tiết axit như omeprazole, cimetidine… và thuốc có chứa bismuth trong vòng 1 tháng trước khi làm xét nghiệm. Đây là một phương pháp xét nghiệm chính xác, an toàn, không gây khó chịu cho người bệnh và đã được tiến hành thường quy tại Việt Nam.
 Xét nghiệm qua nội soi dạ dày: Bệnh nhân được tiến hành nội soi dạ dày và lấy mẫu bệnh phẩm từ niêm mạc dạ dày.
- Có thể sử dụng clo-test để phát hiện H.P, đây là loại test nhanh được tiến hành ngay tại phòng nội soi.
 - Xác định H.P bằng kính hiển vi: quan sát thấy vi khuẩn trên mẫu bệnh phẩm sau khi nhuộm Giemsa hoặc nhuộm bạc.
- Người ta cũng có thể nuôi cấy được H.P bằng cách lấy bệnh phẩm qua nội soi dạ dày, đồng thời làm kháng sinh đồ cho phép xác định mức độ nhạy cảm với kháng sinh và tính kháng thuốc của vi khuẩn.
 Xét nghiệm máu: Bằng cách tìm kháng thể chống lại H.P trong máu cho phép xác định trong thời gian gần đây có bị nhiễm H.P hay không. Vì kháng thể trong máu giảm rất chậm, do đó sau điều trị diệt hết H.P, nồng độ kháng thể vẫn tiếp tục còn  lại trong máu của người bệnh sau một thời gian dài, bởi vậy phương pháp này không thể xác định hiện tại bệnh nhân còn nhiễm hay đã hết nhiễm H.P.
Ngoài ra người ta còn có thể xét nghiệm kháng thể kháng H.P trong nước tiểu, xét nghiệm C13 gắn vào urê trong máu, xét nghiệm antigen của H.P trong phân.
 Phòng bệnh do H.P bằng cách nào?
 Bởi vì vi khuẩn H.P lây truyền qua đường tiêu hóa, do vậy việc đảm bảo vệ sinh  như ăn uống thức ăn chín sẽ giúp làm giảm lây truyền. Tránh lạm dụng sử dụng kháng sinh hoặc dùng kháng sinh phải theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc giúp giảm khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. Đối với những người mà trong gia đình có người bị ung thư dạ dày, cần khám và xét nghiệm H.P, nếu bị nhiễm nên sớm điều trị. 
BS. Vũ Trường Khanh