Dùng kháng sinh đường tiêu hoá: Khi nào thì thích hợp?


Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, chỉ được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hoặc ít ra là nghi ngờ nhiễm khuẩn. Đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, việc chọn kháng sinh, thời điểm dùng nào cho thích hợp... hoàn toàn phụ thuộc vào mầm bệnh gây ra.
Các kháng sinh có thể dùng
Thông thường, hệ tiêu hoá có các vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus mutans, Bacteroides gingivalis (gây bệnh về răng miệng); Shigella, Salmonella, Escherichia Coli (gây bệnh tiêu chảy, sốt phó thương hàn); Vibrio cholerae (gây bệnh tả); Helicobacter pylori (gây loét dạ dày); Campylobacter jejuni, Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens, Bacillus cereus (gây ngộ độc thực phẩm); Yersinia enterocolitica (gây bệnh viêm đại tràng)… Với những vi khuẩn này, nếu chúng ta dự phòng tốt và dùng thuốc đúng thì có thể loại bỏ được 80 - 90% các bệnh tiêu hóa do vi khuẩn hoặc liên quan tới vi khuẩn gây ra.
Với danh mục các loại vi khuẩn như trên thì nhìn chung, những kháng sinh có thể dùng được là các kháng sinh phổ rộng, ưu thế tiêu diệt vi khuẩn gram (-). Chúng bao gồm các kháng sinh nhóm beta lactam (như amoxillin, cephalexin, cefuroxim, cefotaxim, ceftriaxon, đặc biệt là kết hợp với axit clavunalic chống kháng kháng sinh); kháng sinh nhóm aminoglycosid dùng rất tốt với đường tiêu hoá (như gentamicin, kanamycin, streptomycin); nhóm kháng sinh lincosamid (như lincomycin); kháng sinh nhóm macrolid (như erythromycin, spiramycin, azithromycin); nhóm phenicol cũng được chỉ định (như cloramphenicol). Chúng ta cũng có thể dùng kháng sinh nhóm tetracyclin như tetracyclin, doxycyclin; kháng sinh nhóm quinolon như ofloxacin, norfloxacin. Nhiễm khuẩn tiêu hoá không thể quên kháng sinh nhóm nitro imidazol như metronidazol; nhóm sulfamid như sulfamethoxazol.
 Chọn kháng sinh điều trị phụ thuộc vào mầm bệnh.
Mỗi loại kháng sinh trên có ưu thế với từng bệnh nhất định. Chẳng hạn như kháng sinh nhóm beta lactam phối hợp với kháng sinh nhóm macrolid điều trị rất tốt với bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Kháng sinh tetracyclin, doxycyclin lại vô cùng lợi hại với bệnh tả, tiêu chảy do E.coli, các loại tiêu chảy do nhiễm độc nguồn nước, di cư tới vùng đất mới hay người đi du lịch. Metronidazol, sulfamethoxazol thích hợp điều trị trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc là vi sinh vật, nhiễm khuẩn răng miệng mà người ta thường thấy sự kết hợp hoàn hảo của metronidazol với spiramycin dùng khá tốt trong bệnh sâu răng.
Các kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid như gentamycin là những kháng sinh hữu dụng để điều trị các nhiễm khuẩn đường tiêu hoá sau phẫu thuật. Cloramphenicol vẫn được biết đến như một thuốc đầu tay điều trị bệnh thương hàn. Nếu như điều trị nhiễm khuẩn tiêu hoá hoặc các nhiễm khuẩn tiết niệu nghi ngờ do vi khuẩn đường tiêu hoá gây ra mà không dùng kháng sinh nhóm quinolon thì đúng là sai lầm vì đây là nhóm kháng sinh có tác dụng đặc biệt với vi khuẩn của hệ thống thuộc loại ăn uống này.
Thời điểm áp dụng
Không thể nằm ngoài quy tắc dùng kháng sinh, các kháng sinh dùng trong hệ tiêu hoá cũng có nguyên lý dùng tương tự. Đó là chỉ dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn, có bằng chứng nhiễm khuẩn hoặc ít nhất là nghi ngờ nhiễm khuẩn.
Với trường hợp thứ nhất, bệnh nhiễm khuẩn đã xảy ra và hiện tại các dấu hiệu nhiễm khuẩn có thể không rầm rộ, song nằm trong “chương trình” của bác sĩ, các vi khuẩn này chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và sẽ gây bệnh trong tương lai gần. Kháng sinh dùng lúc này là thích hợp. Ví dụ như trường hợp viêm loét dạ dày đã được điều trị bằng thuốc giảm loét nhưng thực ra vi khuẩn H. pylori chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Cần phải dùng tiếp kháng sinh để chế ngự hoàn toàn.
Trường hợp nhiễm khuẩn đang xảy ra thì không có gì đáng bàn vì lúc này vi khuẩn đang hoành hành và việc dùng kháng sinh lúc này thực không có gì đúng hơn.
Với trường hợp nhiễm khuẩn sẽ xảy ra là trường hợp dùng dự phòng. Người bệnh có thể chưa có dấu hiệu nhiễm khuẩn nhưng qua nhận định tình hình, bác sĩ có thể thấy nhất định trong một vài ngày tới nhiễm khuẩn đường tiêu hoá sẽ xảy ra với nguy cơ tới 90%. Việc dùng kháng sinh trước là một chiến lược khôn ngoan. Chẳng hạn như dùng kháng sinh trước một vài ngày cho phẫu thuật dạ dày ruột sẽ giảm tối đa biến chứng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật và nâng tỷ lệ thành công tới gần 100%. Trường hợp nội soi đường tiêu hoá như nội soi đường mật, dạ dày, đại tràng, nếu có điều kiện dùng kháng sinh dự phòng trước 1-2 ngày sẽ đảm bảo an toàn cho người bệnh và giảm tai biến cho bác sĩ.
Lưu ý, vì những kháng sinh điều trị này cũng có thể gây ra bệnh lý cho đường tiêu hoá (ví dụ như licomycin có thể gây viêm đại tràng) nên chúng ta không được dùng tuỳ tiện.       
BS. Yên Lâm Phúc