Các nhà khoa học trường đại học York (Vương quốc Anh) vừa khám phá mối liên hệ mới giữa vitamin A và ung thư tuyến tiền liệt.
Giáo sư Norman Maitland, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết đã tìm thấy retinoic acid, một dẫn xuất của vitamin A, có khả năng dị biệt hóa tế bào gốc ung thư tuyến tiền liệt, làm cho nó dễ bị tổn thương hơn khi dùng liệu pháp hóa trị chữa bệnh ung thư này.
Giáo sư Maitland giải thích: “Nếu cơ thể bệnh nhân thiếu vitamin A, liệu pháp hóa trị tỏ ra không mấy hiệu quả vì các tế bào gốc ung thư có thể sống sót và tách ra. Nhưng nếu cơ thể bệnh nhân dồi dào vitamin A, liệu pháp hóa trị sẽ có hiệu quả hơn bởi tế bào gốc ung thư đã bị retonoic acid làm thay đổi tính năng. Chúng tôi đang tìm hiểu cơ chế của hiện tượng này ở cấp độ tế bào ung thư”.
Khám phá trên đặt nền móng cho một cuộc thử nghiệm liệu pháp retinoic acid, theo đó tế bào gốc ung thư tuyến tiền liệt bị nó biến đổi thành một tế bào chuyên biệt. Quá trình này gọi là dị biệt hóa, có khả năng tiêu diệt tế bào chuyên biệt hoặc làm cho nó dễ bị tổn thương bởi liệu pháp hóa trị.
Theo nhận định của giáo sư Maitland, lượng vitamin A trong máu thấp luôn luôn đi đôi với ung thư tuyến tiền liệt, nhưng chưa rõ tại sao lại như vậy.
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học ở trường đại học York đã làm nổi bật mối quan hệ giữa retinoic acid và ung thư tuyền tiền liệt. Giáo sư Maitland và các đồng sự đã phát hiện tác động tích cực của retinoic acid trên transglutaminase, một trong các gen chuyên biệt của tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học trường đại học York hy vọng rằng khám phá cùa họ cho phép hiểu rõ hơn tác động của vitamin A trên tế bào ung thư để từ đó phát triển thành loại thuốc mới. Công trình nghiên cứu này vừa được đăng trên tạp chí Nucleic Acids Research.
Vitamin A có nhiều trong gan, phô mai, trứng, cá có dầu (cá hồi, cá thu…), sữa bò và sữa chua.
Theo PNO