Thuốc nội lép vế vì tâm lý 'sính' ngoại


Mặc dù thuốc nội đã đáp ứng được 50% nhu cầu điều trị trong nước, nhiều loại thuốc “made in Viet Nam” đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Đức, Phần Lan, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Xinhgapo, Malaixia, Philíppin...; thế nhưng, nhiều “thượng đế” vẫn chỉ tin dùng thuốc ngoại.

Người dân thờ ơ

Trời chuyển mùa từ hè sang thu nên bé Phương Anh (4 tuổi) nhà chị Thu Phương, ở Khu tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại sụt sịt, sổ mũi, ho và hơi sốt. Sau khi vội vàng đưa con tới một bác sĩ ở phòng khám tư gần nhà vốn khét tiếng là “ sính” dùng kháng sinh mạnh, đắt tiền, chị Phương buồn bã ra về với kết luận bé Phương Anh bị viêm họng và 1 đơn thuốc dài, trị giá 600.000 đồng với nhiều loại thuốc ngoại gồm: kháng sinh, long đờm, siro...

 
Nhiều người tiêu dùng vẫn thích thuốc ngoại hơn thuốc nội.

Chị Phương cho biết, như bao bà mẹ khác, trước đây chị Phương cũng rất lo và không muốn cho con trẻ dùng kháng sinh mạnh vì sợ rồi sẽ nhờn thuốc, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị khi con mắc bệnh nặng hơn. Thế nhưng theo kinh nghiệm của nhiều mẹ truyền cho nhau vẫn là phải dùng thuốc ngoại, vì dùng thuốc nội thường mất nhiều thời gian điều trị hơn. Trước đây, chị Phương cũng đưa con đi khám một bác sĩ trưởng khoa Nhi tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội vì nghe các mẹ “mách” bác sĩ này rất hạn chế kê kháng sinh mạnh, thường chỉ định thuốc nội nên giá một lần khám và mua thuốc thường rẻ, chỉ hết khoảng 200.000 đồng.

“Tuy nhiên, cháu phải tái khám tới 2 lần (5 ngày/lần) mà vẫn chưa hết ho, nước mũi thì ngày một xanh. Sau đó, cháu kêu đau tai nên gia đình đưa đi khám chuyên khoa tai mũi họng. Hậu quả là cháu bị viêm tai giữa nên lại phải điều trị kháng sinh mạnh của ngoại thêm 10 ngày nữa. Do đó, giờ thì cháu cứ ho, sốt là em phải đưa đi tới bác sĩ K. ngay, dùng thuốc ngoại tuy có đắt hơn nhưng có thể chất lượng tốt hơn, tác dụng nhanh hơn. Nhà em có mỗi mụn con nên sức khỏe của cháu là quan trọng nhất, cháu mà ốm là cả nhà em ốm theo nên không thể chần chừ, so đo thuốc ngoại hay thuốc nội được...”, chị Phương giải thích.

Thực tế, không chỉ có chị Phương mà nhiều người dân khác cũng có tâm lý “sính” thuốc ngoại. Chị Thu Hà, dược sĩ một cửa hàng thuốc ở đường Trần Khát Chân (Hà Nội) cho hay: “Nếu không quá khó khăn, khách hàng ít chú ý tới vấn đề kinh tế khi mua thuốc nội hay thuốc ngoại. Đơn giản là vì bác sĩ kê thuốc ngoại nên người dân tin tưởng và nhất nhất mua theo. Nhiều trường hợp thấy dược sĩ giới thiệu thuốc nội cùng loại với thuốc ngoại có giá rẻ hơn thì khách hàng còn tỏ ra nghi ngại nhà thuốc, rồi đòi đơn thuốc lại để đi mua chỗ khác cho đúng y như đơn của bác sĩ đã kê”.

Theo chị Hà, với những trường hợp mắc bệnh cảm cúm, ho sốt thông thường, tự đi mua thuốc thì cũng thường thích mua thuốc ngoại. Thỉnh thoảng mới có vị khách hỏi một số loại thuốc nội mà nhà thuốc không có hoặc đến nay đã ngừng sản xuất...

Thiếu thông tin về thuốc nội

Theo TS Lê Nhã Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (Đồng Tháp): Quả thực, tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận không nhỏ người dân là một trong những nguyên nhân chính khiến thuốc nội bị thua ngay trên sân nhà.

“Nhiều người dân quan niệm thuốc đắt thì mới tốt và nhanh khỏi bệnh. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thuốc ngoại (cũng là thuốc Generic, thuốc hết thời gian bảo hộ độc quyền - PV) đắt do chi phí sản xuất ở nước ngoài cao hơn Việt Nam, cộng thêm chi phí vận chuyển, nhập khẩu, quảng cáo nhiều... nên khi đến tay người tiêu dùng, thuốc ngoại đắt hơn hẳn so với thuốc nội. Trong khi đó, thuốc nội có chất lượng không hề thua kém, mà giá lại rẻ. Đơn cử, hiện Domesco có 11 sản phẩm thuốc được chứng minh tương đương sinh học, tức là đã khẳng định chất lượng tương đương với thuốc gốc, có giá rẻ hơn từ 10 - 60% so với thuốc ngoại; nhưng thực tế thì người dân vẫn chuộng thuốc ngoại hơn”, ông Phương thở dài.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Thuốc là một mặt hàng đặc biệt nên không phải cứ rẻ mà người dân sử dụng, thậm chí nhiều “thượng đế” còn cho rằng thuốc rẻ là thuốc không tốt. Vậy nên, muốn người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam thì cần giải quyết vấn đề làm thế nào để người dân tin tưởng vào thuốc nội. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản, đặc biệt là khi thị trường đang có quá nhiều loại thuốc Generic cùng loại cạnh tranh nhau”.

Theo bà Phong Lan, khi sử dụng thuốc nội, lẽ ra bác sĩ và người bệnh sẽ thấy yên tâm hơn vì nhà máy sản xuất thuốc đó có địa chỉ rõ ràng, có dây chuyền sản xuất đã được kiểm định, cơ quan chức năng vẫn tiến hành hậu kiểm chất lượng thuốc hàng năm và phần lớn lại có giá thấp hơn giá thuốc ngoại. Thế nhưng chỉ vì tâm lý “sính ngoại”, thiếu thông tin về chất lượng thuốc nội nên nhiều người dân đến nay vẫn chỉ tin dùng thuốc ngoại. Do đó, luôn tái diễn nghịch lý là các doanh nghiệp dược Việt Nam đã nghèo lại càng khó, còn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc ngoại thì ngày một khấm khá vì giá thuốc ngoại cao hơn hẳn thuốc nội... Kết quả là doanh nghiệp ngoại càng có thêm nhiều kinh phí “quảng cáo” thuốc tới các bác sĩ (30% doanh thu), trong khi các doanh nghiệp dược trong nước bị khống chế về tỷ lệ quảng cáo (10% doanh thu)... Rốt cuộc, cái vòng luẩn quẩn này nhiều năm qua cứ quấn chặt các doanh nghiệp dược Việt Nam, khiến thuốc nội luôn “thua đau”, bị thuốc ngoại lấn át ngay trên sân nhà.


Phương Liên