Phân tích tình hình tài chính ngành dược phẩm


Ngành dược phẩm là một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có chức năng sản xuất các loại thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh, phục hồi và tăng cường sức khỏe của con người.
Bài viết đánh giá tình hình tài chính của ngành dược phẩm thông qua việc tổng hợp số liệu trung bình ngành từ 15 công ty dược phẩm trong ngành giai đoạn 2007 – 2011.
Tổng quan về các công ty trong mẫu nghiên cứu
Bảng 1: Tài chính của các công ty trong mẫu năm 2011
Đơn vị tính: tỷ đồng
STT
Tên công ty
Tổng tài sản
Vốn chủ sở hữu
Doanh thu thuần
Lợi nhuận sau thuế
1
CTCP Dược Hậu Giang
1.996
1.382
2.491
416
2
CTCP DOMESCO
834
575
1.132
81
3
CTCP Traphaco
838
400
1.063
89
4
CTCP Hóa Dược phẩm Mekophar
561
409
1.045
77
5
CTCP Dược phẩm Imexpharm
828
709
776
78
6
CTCP Dược phẩm Cửu Long
842
232
630
-31
7
CTCP Dược phẩm Hà Tây
304
119
630
17
8
CTCP Mediplantex
337
104
587
5
9
CTCP Dược phẩm Bến Tre
292
78
548
12
10
CTCP Dược phẩm OPC
467
306
409
50
11
CTCP Bidiphar1
250
192
292
40
12
CTCP Dược phẩm VIDIPHA
378
244
282
26
13
CTCP Dược phẩm Pharmedic
152
119
264
39
14
CTCP Dược Becamex
163
47
110
2
15
CTCP Dược phẩm Phong Phú
73
31
85
2

Cộng ngành dược phẩm
8.315
4.947
10.344
903
Xét 15 công ty dược phẩm trong mẫu nghiên cứu, tổng tài sản của nhóm đạt 8.315 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đạt 4.947 tỷ đồng vào cuối năm 2011, doanh thu năm 2011 của nhóm đạt 10.344 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 903 tỷ đồng, đem lại một tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu bình quân là 18,3%.
Xét theo doanh thu, bốn công ty có quy mô doanh thu lớn nhất và đạt trên 1.000 tỷ đồng đó là Công ty Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco và Mekophar. Công ty Dược Hậu Giang là công ty có hiệu quả kinh doanh cao nhất khi đạt mức tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu năm 2011 lên tới 30%/năm.
Tốc độ tăng trưởng của ngành
Sơ đồ 1: Tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành dược phẩm

Ngành dược phẩm là một ngành đang tăng trưởng với tốc độ khá cao bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Điều này được thể hiện ở cả tốc độ tăng của doanh thu và tổng tài sản. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm thấp nhất trong giai đoạn này là năm 2010, tuy nhiên, vẫn ở mức khá cao là 10%. Tốc độ tăng trưởng khả quan và ổn định cho thấy tính hấp dẫn về dung lượng thị phần của ngành, từ đó khuyến khích các công ty trong ngành đầu tư mở rộng sản xuất, tăng trưởng quy mô tài sản.
Trong quá trình tăng trưởng tài sản, quy mô tài sản dài hạn và tỷ trọng tài sản dài hạn trên tổng tài sản có xu hướng gia tăng. Tỷ trọng tài sản dài hạn trên tổng tài sản đã tăng từ mức 24% cuối năm 2007 lên mức 31% cuối năm 2011. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành tích cực đầu tư mở rộng dây chuyển sản xuất để mở rộng quy mô kinh doanh.
Rủi ro tài chính của ngành
Trong giai đoạn 2007 – 2011, ngành dược phẩm đã liên tục gia tăng mức độ sử dụng nợ nhằm tài trợ cho quá trình tăng trưởng. Hệ số nợ trên tổng tài sản của ngành đã gia tăng từ mức 32% cuối năm 2007 lên mức 40% cuối năm 2011. Tuy nhiên, hệ số nợ này vẫn thấp hơn 50% cho thấy đây vẫn là đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải. Trong cơ cấu nợ của ngành, chiếm tỷ trọng chủ đạo là nợ ngắn hạn dùng để tài trợ cho vốn lưu động. Tại thời điểm cuối năm 2011, nợ ngắn hạn chiếm 92% tổng nợ phải trả.
Riêng nhóm 5 công ty đầu ngành (bao gồm Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco, Mekophar và Imexpharm), mặc dù hệ số nợ có xu hướng gia tăng, tuy nhiên, hệ số nợ ở mức thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành. Kết quả này phù hợp với lý thuyết trật tự phân hạng về tài trợ, đó là các công ty này sinh lời tốt, có quy mô lợi nhuận lớn so với nhu cầu đầu tư mới, do đó, họ chủ yếu dựa vào nguồn vốn nội sinh là lợi nhuận để lại và không cần huy động nhiều các nguồn tài trợ bên ngoài, khiến hệ số nợ duy trì ở mức thấp.
Sơ đồ 2: Hệ số nợ trên tổng tài sản của ngành dược phẩm

Phân tích khả năng thanh toán của ngành
Trong giai đoạn 2007 – 2011, khả năng thanh toán của ngành có xu hướng giảm. Khả năng thanh toán hiện hành đã giảm từ mức 2,6 lần cuối năm 2007 xuống mức 1,9 lần cuối năm 2011. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một mức khả năng thanh toán khá cao. Khả năng thanh toán lãi vay trong giai đoạn 2009 – 2011 có sự giảm sút do ngành tăng cường sử dụng đòn bẩy tài chính và do lãi suất trong giai đoạn này có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khả năng thanh toán lãi vay vẫn duy trì ở mức 6,9 lần năm 2011 là một mức cao. Do đó, ngành dược phẩm nhìn chung vẫn có khả năng thanh toán tốt, nhận được tín nhiệm của các ngân hàng và đây là cơ sở để các doanh nghiệp của ngành có thể tiếp cận thuận lợi vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
Sơ đồ 3: Khả năng thanh toán của ngành dược phẩm

Khả năng sinh lời của ngành dược phẩm
Ngành dược phẩm về cơ bản là ngành duy trì được tỷ suất lợi nhuận ở mức khá cao và ổn định, ngay cả trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp khó khăn. Điều này cho thấy ngành có rủi ro kinh doanh thấp mà nguyên nhân chính là do cầu về sản phẩm dược ít co giãn với giá cả. Chính vì vậy, nhà sản xuất có thể chuyển gánh nặng chi phí gia tăng sang người mua thông qua việc tăng giá sản phẩm đầu ra.
Trong giai đoạn 2007 – 2011, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, ROE tối thiểu của ngành giai đoạn này vẫn ở mức 15,4% tại năm 2008, một mức tỷ suất lợi nhuận khả quan. Giai đoạn 2009 – 2011, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu của ngành có xu hướng giảm dần. Điều này một phần quan trọng xuất phát từ việc cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt hơn khiến biên lợi nhuận giảm dần.
Sơ đồ 4: Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE) của ngành

Nhóm 5 công ty đầu ngành vẫn thể hiện được hiệu quả kinh doanh vượt trội khi liên tục duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao hơn trung bình ngành. Một điểm đáng chú ý đó là, trong giai đoạn 2009 – 2011, khoảng cách giữa ROE của nhóm 5 công ty đầu ngành với ROE của ngành có xu hướng nới rộng ra, cho thấy ngành có tính kinh tế theo quy mô và các công ty lớn trong ngành duy trì được lợi thế cạnh tranh rõ ràng trước những công ty có quy mô nhỏ hơn.
Tuấn Dương
Theo TTVN