Tôi 30 tuổi, có chồng và hai con. Sau lần sinh cháu thứ hai được mấy tháng tôi đã tiêm thuốc tránh thai (2 mũi/6 tháng). Đến nay con trai tôi đã được 14 tháng tuổi nhưng do tiêm thuốc đó mà tôi vẫn không có kinh lại và càng ngày tôi càng gầy đi nên tôi không tiêm thuốc đó nữa. Mong báo SK&ĐS giải thích cho tôi rõ tiêm thuốc tránh thai có ảnh hưởng gì tới sức khỏe?
Lưu Thị Phương (Thạch Thất - Hà Nội)
Mỗi loại thuốc tránh thai (TTT) như thuốc uống, tiêm bắp thịt, hoặc cấy dưới da, với những ưu điểm và nhược điểm riêng.
Thuốc tiêm tránh thai DMPA (Dehydro Medroxy Progesterone Acetate) là loại TTT hiện đại có hormone progestin liều 150 mg. Nhằm mở rộng phạm vi lựa chọn biện pháp tránh thai, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai sử dụng DMPA tại nước ta từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cho đến nay nó đã được sử dụng phổ cập tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. DMPA có thể được chỉ định cho bất cứ phụ nữ nào ở lứa tuổi sinh đẻ muốn dùng một biện pháp tránh thai tự chọn, và không có chống chỉ định.
Dùng thuốc tiêm tránh thai cũng có những tác dụng phụ nhất định. |
DMPA có ưu điểm là tránh thai được lâu dài (3 tháng) và có hiệu quả tránh thai cao (99,6%). Với đặc tính liều dùng cao, hấp thu chậm nên thuốc luôn luôn có mặt trong cơ thể, phát huy hiệu lực cao, có thể coi như đình sản tạm thời. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế rụng trứng gần như 100%. Ngoài ra, còn ức chế chất nhầy cổ tử cung cũng rất mạnh, khiến cho tinh trùng không thể thâm nhập được để lên buồng tử cung. Làm teo niêm mạc tử cung khiến trứng khó có khả năng làm tổ. Tóm lại, trong các dạng TTT, thuốc tiêm có tác dụng tránh thai về nhiều mặt nhất.
DMPA là một trong những biện pháp tránh thai thích hợp với phụ nữ đang nuôi con bú mà muốn tránh thai. Khi sử dụng DMPA làm tăng tiết sữa và duy trì sự tiết sữa kéo dài hơn, nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Bởi DMPA chỉ tiết qua sữa với hàm lượng rất nhỏ trong khoảng từ 0,02 - 0,08 mcg/kg cơ thể/ ngày. Trẻ em bú mẹ có tiêm DMPA vẫn phát triển bình thường cả về chiều cao, cân nặng và trí tuệ.
Ngoài ra, DMPA còn rất phù hợp cho những phụ nữ bị tác dụng phụ do estrogen (có trong viên TTT loại uống), hoặc không thể dùng được estrogen do chống chỉ định, và những người hay bị các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng nhiều vào thời gian rụng trứng, thay đổi cảm xúc, mệt mỏi, tăng cân...
Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng DMPA không làm thay đổi về huyết áp, mạch, các steroid và miễn dịch... Thuốc không gây phù, không làm phát triển u xơ tử cung, nên có thể dùng khi bị bệnh van tim chưa có biến chứng, bệnh u xơ tử cung, người đang nuôi con bú, các khối u lành tính đã phẫu thuật...
Tuy nhiên, DMPA có nhược điểm là nếu chẳng may có tác dụng phụ không chịu đựng được thì lại không thể đưa thuốc ra nhanh khỏi cơ thể. Một nhược điểm khác là hay gây rối loạn kinh nguyệt, gây mất kinh.
DMPA có chống chỉ định trong những trường hợp sau: người bệnh suy gan, suy thận (vì sợ thuốc khó được đào thải khỏi cơ thể và gây thêm gánh nặng cho gan, thận), người bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, viêm tắc tĩnh mạch. Đang bị, hay đã bị ung thư vú mặc dù đã điều trị khỏi. Rối loạn kinh nguyệt, bị ra huyết bất thường chưa rõ nguyên nhân. Những người đang dùng thuốc chữa lao, chữa bệnh động kinh...
Trở lại trường hợp của bạn. Khi tiêm TTT bạn không thấy kinh nguyệt (vô kinh) là do tác dụng phụ của thuốc, nhưng điều này không đáng ngại, không cần phải điều trị. Nếu bạn thấy rằng vô kinh là không thể chấp nhận được thì ngừng tiêm TTT, mà chuyển sang dùng phương pháp tránh thai khác như TTT loại uống (nếu không có chống chỉ định), hoặc dùng bao cao su tránh thai... Trường hợp người bạn gầy đi, không phải là do tiêm TTT, ngược lại người ta còn cho rằng thuốc tiêm tránh thai làm tăng chuyển hóa nên một số chị em dùng thuốc này lại tăng cân.
BS. Vũ Hướng Văn