Ðể người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam


Thuốc sản xuất trong nước hiện đáp ứng gần 50% nhu cầu phòng và chữa bệnh cho người dân. Như vậy "dư địa" để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển, chiếm lĩnh thị trường còn khá lớn.
Nhưng để người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, vẫn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh sự cố gắng vươn lên của mỗi doanh nghiệp, cần có cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước, cũng như sự hỗ trợ của thầy thuốc và người bệnh.
                                    Sản xuất thuốc tại Công ty Dược Phú Yên. Ảnh: DƯƠNG NGỌC  
 

Gỡ bỏ tâm lý "sính ngoại"
Thuốc sản xuất trong nước hiện còn hơn 13 nghìn số đăng ký với 234 trong tổng số 314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam; gồm đầy đủ 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy đã đáp ứng gần 50% nhu cầu, nhưng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước được sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh còn thấp. Tại các bệnh viện tuyến huyện, tỷ lệ thuốc nội được sử dụng chiếm 61,5%, nhưng khi lên đến bệnh viện tuyến T.Ư giảm còn 11,9%, thậm chí tại các bệnh viện chuyên khoa, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước còn thấp ở một số tuyến điều trị được lý giải là do phụ thuộc vào mô hình bệnh tật, các bệnh viện tuyến T.Ư là nơi tiếp nhận các ca bệnh nặng, nhất là nhiều ca đã điều trị dài ngày ở tuyến dưới, cho nên phải sử dụng những thuốc đặc trị hay thuốc ngoại nhập mới bảo đảm hiệu quả điều trị. Trong khi đó, việc đầu tư sản xuất thuốc trong nước chỉ dừng lại ở chỗ nhập nguyên liệu về bào chế, chiến lược ma-két-tinh yếu, không cạnh tranh nổi với thuốc ngoại... TS Nguyễn Văn Tựu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam chỉ rõ: Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước nhiều năm liền không tăng mà đang giảm, từ 52% (năm 2007) xuống còn 47% (năm 2011). Việc khuyến khích dùng thuốc sản xuất trong nước mới dừng lại ở sự vận động, kêu gọi, phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của Hội đồng thuốc và đội ngũ thầy thuốc khám bệnh, kê đơn. Hiện danh mục thuốc chủ yếu sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh chưa đặt ra yêu cầu về tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước cũng như chưa có cơ chế ưu đãi đối với thuốc nội khi đấu thầu vào bệnh viện.
Thống kê cho thấy, hơn 70% số thuốc được sử dụng tại bệnh viện, chính vì vậy, để tăng cường sử dụng thuốc trong nước thì một trong những yếu tố quan trọng đó là làm thay đổi tâm lý "sính ngoại" của thầy thuốc khi kê đơn. Các bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic (thuốc gốc) mà vẫn bảo đảm hiệu quả điều trị. Ðể làm được điều đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần tăng lượng thông tin, chứng minh chất lượng của thuốc nội. Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực dược, năm năm trở lại đây, các thuốc generic của Việt Nam không thua kém so với Ấn Ðộ, Hàn Quốc như thuốc điều trị về thần kinh, huyết áp, thuốc tiêm, dịch truyền... Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Có hơn 70% số dân đang sống ở khu vực nông thôn. Nếu kê đơn thuốc generic, nhất là kê đơn thuốc sản xuất trong nước thì chúng ta sẽ cứu chữa được nhiều người, thay vì chỉ cho một số người với cùng một lượng kinh phí như nhau.
Việc gỡ bỏ tâm lý "sính ngoại" cũng cần thực hiện đối với chính người sử dụng thuốc. Rất nhiều người biết thuốc ngoại giá cả thường cao hơn nhiều so với thuốc sản xuất trong nước, nhưng vẫn thích dùng, thậm chí cả trong điều trị các loại bệnh thông thường. Nhiều người cho rằng, thuốc càng đắt tiền thì càng có hiệu quả cao. Ðó là quan niệm không đúng. Thuốc ngoại đắt do chi phí sản xuất ở nước ngoài rất lớn, giá thành sản phẩm ở nơi làm ra sản phẩm cũng không rẻ. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển, nhập khẩu... khi đến tay người tiêu dùng, thuốc đắt là điều đương nhiên. Thuốc của một hãng được sản xuất ra trong cùng hệ thống nhà máy trên toàn thế giới sẽ có chất lượng như nhau vì cùng nguồn nguyên liệu và dây chuyền công nghệ. Sở dĩ, giá thuốc sản xuất tại Việt Nam rẻ hơn là do chi phí nhân công, quản lý, đóng gói, vận chuyển thuốc... thấp hơn. Hiện nay, nhiều thuốc của doanh nghiệp trong nước đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của WHO (GMP WHO), đã thử tương đương sinh học cho thấy chất lượng không thua kém gì thuốc ngoại nhập.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Một thực tế dễ nhận thấy là, thiếu quy hoạch một cách bài bản ngay từ đầu, cho nên các doanh nghiệp đầu tư phát triển dàn trải, trùng lắp... làm giảm sản lượng và công suất. Công nghệ sản xuất vẫn tập trung vào thuốc gốc, ít quan tâm các thuốc chuyên khoa đặc trị. Chính vì vậy, để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" đạt mục tiêu đề ra là thuốc sản xuất trong nước chiếm 60% nhu cầu vào năm 2015, thì chính các doanh nghiệp dược trong nước cần tự làm mới mình, nâng cao trình độ cán bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất thuốc và tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người dân hiểu những thế mạnh của thuốc  sản xuất trong nước. Muốn người dân và cả thầy thuốc tin tưởng, hoàn toàn lựa chọn thuốc nội, thì thuốc nội phải khẳng định được chất lượng. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (Ðồng Tháp), thời gian qua đầu tư khá lớn cho việc thử tương đương sinh học để đánh giá chất lượng thuốc. Các sản phẩm ưu tiên thực hiện là những thuốc thuộc nhóm gánh nặng chi phí điều trị lớn như: điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp và kháng sinh... Kết quả cho thấy, các sản phẩm này có giá chỉ bằng 20 đến 40% giá của các sản phẩm thuốc ngoại nhập và đang được nhiều bệnh viện tin dùng.
Sản xuất thuốc được đánh giá có lợi nhuận cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tích lũy để đầu tư nghiên cứu phát triển lâu dài, nếu chỉ dừng lại ở việc nhập công nghệ, nguyên liệu, gia công thuốc thì công nghiệp dược của Việt Nam khó có thể phát triển được, thậm chí có nguy cơ để các tập đoàn dược lớn của nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Việt Nam là một thị trường thuốc lớn, cho nên cần chú trọng phát huy năng lực sản xuất, cung ứng trong nước. Nhà nước cần có những chính sách về khuyến khích đầu tư, vốn, thuế... giúp doanh nghiệp phát triển cao nhất năng lực của mình. Ngược lại, các doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho xã hội những sản phẩm thuốc tốt nhất để người bệnh yên tâm trong khâu sử dụng.
Theo các chuyên gia, để thuốc sản xuất trong nước đến với người bệnh, thì thuốc phải vào được hệ thống bệnh viện. Muốn làm được điều này, Bộ Y tế, Bộ Tài chính cần sửa đổi quy định về đấu thầu; có chính sách cụ thể ưu tiên cho thuốc nội. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Thụy Ðiển Uông Bí (Quảng Ninh), đơn vị sử dụng thuốc nội được xếp vào diện cao, nhưng cũng chưa đến 50%. Nhưng cách làm ở đây đã rút ra được một số bài học. Ðó là, bệnh viện phải xây dựng và thực hiện các tiêu chí sử dụng thuốc, trong đó chỉ sử dụng thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu, có đủ thông tin về thuốc, chọn thuốc hiệu quả cao nhưng chi phí thấp... Tuy nhiên, có một thực tế rất rõ là, chủng loại các mặt hàng tuy nhiều, nhưng rất ít các thuốc chuyên khoa, đặc trị. Do vậy, bệnh viện có muốn ưu tiên sử dụng thuốc nội đi chăng nữa thì trong nước vẫn sản xuất được.
Ưu tiên sử dụng thuốc trong nước là hành động thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc về các sản phẩm do người Việt Nam sản xuất. Ðồng thời giúp ngành dược phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung ứng thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân một cách ổn định và không lệ thuộc vào nước ngoài.

TRUNG HIẾU