Viêm da tiếp xúc do côn trùng dùng thuốc gì?


Viêm da tiếp xúc do côn trùng là một bệnh da thường gặp, cấp tính, nguyên nhân do phản ứng dị ứng của da với các thành phần của côn trùng như phấn, chất bài tiết, nọc độc… Tổn thương ngoài da mới đầu là ngứa, nổi ban đỏ, hơi nề tại vùng tiếp xúc. Sau đó có thể xuất hiện các mụn nước, bọng nước và nóng, đau rát. Nếu nhiễm trùng sẽ có các mụn mủ nhỏ trên nền da đỏ, phù nề.
 
Nếu không điều trị đúng có thể nhiễm trùng lan rộng, loét da… Tổn thương thường tạo thành đám tại chỗ tiếp xúc hoặc thành dải, thành vệt do bệnh nhân ngứa, gãi. Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thường khỏi nhanh trong 3-7 ngày nếu điều trị đúng cách. Việc điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng không khó nhưng nếu không đúng có thể gây viêm nặng hơn, nhiễm trùng thứ phát, loét… phương pháp điều trị tùy theo tổn thương và chủ yếu dùng thuốc bôi tại chỗ kèm thuốc kháng histamin đường uống.
Thuốc bôi tại chỗ có thể sử dụng các thuốc như sau:
Khi mới tiếp xúc, chỉ có đỏ da và ngứa nên dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch các chất bám lên da, sau đó dùng hồ nước bôi lên để làm mát da, dịu da. Hồ nước là một loại thuốc bôi dùng phổ biến trong da liễu với thành phần chủ yếu bao gồm: bột tal, oxyt kẽm, glycerin và hầu như không có tác dụng phụ đáng kể nào nên sử dụng rất an toàn.
Ảnh minh họa
Khi đã nổi mụn nước, phỏng nước có thể bôi hồ nước, đắp dung dịch jarish giúp mát da, dịu da và làm khô, sạch tổn thương.
Nếu xuất hiện mụn mủ dùng các dung dịch màu như xanh methylen, milian, castellani bôi lên tổn thương giúp sát khuẩn, khô sạch tổn thương. Chú ý khi dùng thuốc màu bôi cho trẻ em không nên dùng castellani vì thuốc này có thể làm trẻ đau rát khi bôi. Khi tổn thương không còn chảy dịch, đã khô có thể sử dụng mỡ kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp tổn thương mau lành.
Thuốc uống có thể sử dụng một số loại như sau:
Thuốc kháng histamin thế hệ 1 (như chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin…). Nhóm thuốc này có tác dụng chống ngứa, chống dị ứng. Tuy nhiên, thuốc này còn có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, ngủ gà. Vì vậy không dùng nhóm thuốc này cho người lái tàu, xe, vận hành máy, người làm bảo vệ...
Thuốc kháng histamin thế hệ 2 hiện nay có nhiều thuốc không gây buồn ngủ được dùng rộng rãi như: cetirizin, astemizol, loratadin, desloratadin, fexofenadin. Tuy nhiên, cần thận trọng với người có vấn đề tim mạch hoặc tiền sử bệnh tim mạch không được dùng một số thuốc trong nhóm astemizol vì nhóm này có thể làm loạn nhịp tim, kéo dài khoảng QT.
Một số trường hợp hiếm gặp: bệnh nặng, kèm thêm phản ứng dị ứng toàn thân thì cần điều trị đặc biệt. Có thể phải dùng corticosteroid toàn thân. Trường hợp bội nhiễm nặng cũng có khi phải dùng kháng sinh toàn thân.
Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể phòng tránh bằng cách: vào mùa mưa, nên đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau.         
TS. BS.Vũ Tuấn Anh