Ngành dược phẩm là một ngành đang tăng trưởng với tốc độ khá cao bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.
Việc cân đối ba mục tiêu tài chính là một điều khó khăn
Trên góc độ tài chính, một doanh nghiệp thường gặp phải khó khăn khi phải cân đối giữa ba mục tiêu nhiều khi mâu thuẫn nhau, đó là, tăng trưởng cao (quyết định đầu tư), an toàn tài chính (quyết định tài trợ) và tỷ lệ chi trả cổ tức cao (quyết định cổ tức). Ví dụ, một doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao (nhằm chiếm lĩnh thị phần) và duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức cao thường chứng kiến hệ số nợ tăng vọt. Hay nếu doanh nghiệp muốn có tốc độ tăng trưởng cao và duy trì hệ số nợ ở mức vừa phải thì thường phải duy trì chính sách chi trả cổ tức ở mức thấp.
Sơ đồ 1: Ba mục tiêu tài chính của doanh nghiệp
Việc cân đối giữa các mục tiêu này thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp và nhiều khi mang tính nghệ thuật. Sự cân đối thành công sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.
Ngành dược phẩm là một ngành đang tăng trưởng với tốc độ khá cao bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Điều này được thể hiện ở cả tốc độ tăng của doanh thu và tổng tài sản. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2007 – 2011 của ngành là 14,4%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm thấp nhất trong giai đoạn này là năm 2010, tuy nhiên, vẫn ở mức khá cao là 10%. Nguyên nhân quan trọng khiến vốn đầu tư liên tục được rót vào ngành là do dung lượng thị phần của ngành vẫn đang tăng trưởng và ngành duy trì được mức sinh lời khả quan.
Rủi ro tài chính của ngành dược phẩm
Trong giai đoạn 2007 – 2011, ngành dược phẩm đã liên tục gia tăng mức độ sử dụng nợ nhằm tài trợ cho quá trình tăng trưởng. Hệ số nợ trên tổng tài sản của ngành đã gia tăng từ mức 32% cuối năm 2007 lên mức 40% cuối năm 2011. Tuy nhiên, hệ số nợ này vẫn thấp hơn 50% cho thấy đây vẫn là đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải. Các công ty trong ngành về cơ bản không sử dụng quá nhiều nợ vay trong cơ cấu tài chính của mình.
Chính sách cổ tức của ngành dược phẩm
Tính bình quân giai đoạn 2007 – 2011, ngành dược phẩm là ngành có tỷ lệ chi trả cổ tức thấp, với mức chi trả cổ tức tiền mặt bình quân 36% trên lợi nhuận sau thuế. Đây là nhân tố quan trọng giúp cho ngành dược phẩm duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan và duy trì được hệ số nợ ở mức thấp.
Bảng 1: Thống kê về cổ tức giai đoạn 2007 – 2011 của 12 công ty
Đơn vị tính: tỷ đồng
STT
|
Tên công ty
|
Tổng lợi nhuận sau thuế
07 –11
|
Tổng cổ tức tiền mặt
07 –11
|
Tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt bình quân
07 - 11
|
I
|
Nhóm công ty đầu ngành
| |||
1
|
CTCP Dược Hậu Giang
|
1.374
|
467
|
34%
|
2
|
CTCP Nhập khẩu Y tế DOMESCO
|
367
|
136
|
37%
|
3
|
CTCP Traphaco
|
290
|
63
|
22%
|
4
|
CTCP Hóa Dược phẩm Mekophar
|
334
|
115
|
34%
|
5
|
CTCP Dược phẩm Imexpharm
|
337
|
111
|
33%
|
II
|
Nhóm công ty hạng trung
| |||
6
|
CTCP Dược phẩm OPC
|
215
|
87
|
40%
|
7
|
CTCP Dược phẩm Cửu Long
|
127
|
72
|
57%
|
8
|
CTCP Dược phẩm Hà Tây
|
67
|
40
|
60%
|
9
|
CTCP Dược phẩm Bến Tre
|
50
|
27
|
54%
|
III
|
Nhóm công ty quy mô nhỏ
| |||
10
|
CTCP Dược phẩm Pharmedic
|
136
|
48
|
35%
|
11
|
CTCP Dược phẩm Phong Phú
|
9
|
2
|
22%
|
12
|
CTCP Dược phẩm VIDIPHA
|
136
|
56
|
41%
|
Cộng ngành dược phẩm
|
3.442
|
1.224
|
36%
|
Những doanh nghiệp lớn của ngành vẫn theo đuổi truyền thống chi trả cổ tức thấp để duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan và hệ số nợ thấp, trong khi đó, một số công ty có quy mô nhỏ hơn duy trì tỷ lệ chi trả ở mức cao như Dược Hà Tây (60%), Dược Cửu Long (57%), Dược Bến Tre (54%).
Tình hình chi trả cổ tức hàng năm của ngành
Bảng 2: Tình hình chi trả cổ tức hàng năm của ngành
Đơn vị tính: tỷ đồng
STT
|
Chỉ tiêu
|
2007
|
2008
|
2009
|
2010
|
2011
|
1
|
Lợi nhuận sau thuế
|
493
|
509
|
756
|
828
|
856
|
2
|
Chi trả cổ tức tiền mặt
|
143
|
245
|
166
|
193
|
477
|
3
|
Hệ số chi trả cổ tức tiền mặt
|
29,0%
|
48,1%
|
22,0%
|
23,3%
|
55,7%
|
Tổng hợp chi trả cổ tức của 12 công ty trong ngành
Khuôn mẫu chi trả cổ tức tiền mặt của ngành là trong điều kiện tăng trưởng thuận lợi, các công ty trong ngành duy trì một tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt thấp, ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư (các năm 2007, 2009, 2010). Tuy nhiên, trong những năm nền kinh tế vĩ mô gặp khó khăn và thị trường chứng khoán suy giảm sâu (năm 2008, 2011), các công ty trong ngành nâng tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt lên mức cao nhằm phát đi những tín hiệu tích cực đến thị trường tài chính, hỗ trợ cho giá cổ phiếu đang bị giảm sâu.
Một lý do khác nữa là trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng, giá cổ phiếu đi lên, các cổ đông thường dễ dàng chấp nhận phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, họ thường ủng hộ phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Cân đối các mục tiêu tài chính trong ngành dược phẩm
Như vậy, có thể thấy, ngành dược phẩm là ngành kết hợp các mục tiêu tài chính theo công thức:tăng trưởng cao – hệ số nợ vừa phải – chi trả cổ tức thấp.
Như vậy để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời duy trì rủi ro tài chính ở mức vừa phải nhằm “giảm sóc” cho quá trình tăng trưởng, các công ty ngành dược phẩm nói chung đã thực hiện một chính sách chi trả cổ tức tiền mặt ở mức thấp, ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư. Đây được xem là một chính sách cổ tức hợp lý.
Nguyên lý của chính sách cổ tức là chúng ta chỉ thực hiện giữ lại lợi nhuận tái đầu tư nếu lợi nhuận để lại được đầu tư vào các cơ hội kinh doanh tạo ra mức sinh lời cao hơn chi phí sử dụng vốn cổ phần. Điều này sẽ khiến cho giá cổ phiếu được cải thiện. Ngành dược phẩm là một ngành hiện đem lại tỷ suất lợi nhuận khả quan (năm 2011, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu bình quân của ngành là 18%). Điều này cho thấy việc ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư sẽ tốt cho cổ đông.
Traphaco – tàu tốc hành nhờ chính sách chi trả cổ tức thấp
Traphaco đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và an toàn tài chính vừa phải nhờ duy trì chính sách chi trả cổ tức tiền mặt ở mức rất thấp, ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư. Tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2007 – 2011 của Công ty là 290 tỷ đồng, trong đó, Công ty đã chi trả cổ tức tiền mặt trong giai đoạn này chỉ ở mức 63 tỷ đồng, đưa đến tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân chỉ ở mức 22%, thấp nhất trong mẫu nghiên cứu. Điều này đã giúp Traphaco duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2007 – 2011 là 18,8%/năm, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn này của ngành dược phẩm là 14,4%/năm, đưa Traphaco vươn lên một trong những công ty lớn nhất của ngành. Xét về quy mô lợi nhuận sau thuế năm 2011, Traphaco là Công ty dược có quy mô lớn thứ hai trong mẫu nghiên cứu với 89 tỷ đồng (chỉ đứng sau Dược Hậu Giang) và kinh doanh hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận cao. Hệ số nợ của Công ty cũng duy trì ở mức vừa phải khi tại thời điểm cuối năm 2011, hệ số nợ của Công ty là 48,2%.
Dược Hà Tây chậm chân do chi trả cổ tức cao
Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2007 – 2011 của Dược Hà Tây chỉ đạt 3,9%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành 14,4%/năm. Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty cũng đạt khiêm tốn khi đạt 14,3% năm 2011, thấp hơn khá nhiều mức 18% bình quân của ngành năm 2011. Điều này cho thấy, mức độ đầu tư thấp đã hạn chế khả năng mở rộng thị phần và tính hiệu quả của đồng vốn. Tại thời điểm cuối năm 2011, hệ số nợ của Công ty xấp xỉ 61%, một mức cao so với trung bình ngành là 40%, cho thấy rủi ro tài chính ở mức cao của Công ty. Một trong những nguyên nhân đó là Công ty đã duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức cao. Tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân 2007 – 2011 của Công ty là 60%, cao nhất trong mẫu nghiên cứu. Có lẽ với Dược Hà Tây, việc thay đổi một chính sách cổ tức sang tỷ lệ chi trả thấp, ưu tiên giữ lại tái đầu tư là điều cần thiết.
Tuấn Dương
Theo TTVN