Với mặt hàng thuốc thì chính đội ngũ bác sĩ mới là người quyết định cho người bệnh dùng thuốc gì, liều lượng ra sao. Vậy nên, thuốc nội không thể “lên ngôi” khi vẫn còn những cán bộ ngành y ít kê đơn, chưa tin tưởng chất lượng thuốc nội...
Nghi ngại về chất lượng thuốc nội
“Chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng thuốc nội nhưng nói gì thì nói việc lựa chọn sử dụng thuốc nào thì tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất vẫn phải là an toàn, hiệu quả rồi sau đó mới nói đến chuyện giá cả. Nhưng hiện nay, chất lượng của nhiều loại thuốc nội chưa ngang bằng với thuốc ngoại”, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, khẳng định.
Trình dược viên giới thiệu thuốc cho cửa hàng.
|
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Là những nhà khoa học, việc sử dụng thuốc lại liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh nên chúng tôi không thể chỉ tin vào lời nói suông là ‘thuốc của công ty tôi tốt lắm’. Do đó, dù biết 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu từ nước ngoài, rồi hàm lượng thuốc so với thuốc gốc là như nhau... nhưng các bác sĩ vẫn cần những bằng chứng cụ thể chứng minh chất lượng thuốc nội, nhất là việc loại thuốc đó đã được thử tương đương sinh học chưa.... Chúng tôi luôn mở cửa để các doanh nghiệp dược trong nước vào giới thiệu sản phẩm (miễn phí). Tuy nhiên, đến nay những thông tin về thuốc nội (Generic), nhất là những thuốc đã được khẳng định tương đương sinh học với thuốc gốc đến với chúng tôi chưa nhiều...”.
TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí, cũng cho hay, dù BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí luôn chú trọng việc giám sát, yêu cầu các bác sĩ thực hiện đúng quy định về phác đồ điều trị, đường lối sử dụng thuốc nội, có quy chế phạt hàng tháng đối với nhân viên không thực hiện đúng quy định..., tuy nhiên, giá trị thuốc sản xuất trong nước tại BV cũng chỉ chiếm 15 - 16% tổng số tiền thuốc. Nguyên nhân chủ yếu là BS có thói quen nhiều năm sử dụng thuốc ngoại, các cơ sở điều trị gặp không ít khó khăn trong việc đánh giá chất lượng của thuốc nội. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền thuốc nội thời gian qua còn quá đơn giản, chủ yếu tập trung vào quảng cáo các thuốc thông thường có nguồn gốc từ dược liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, sách báo, tạp chí. Trong khi đó, các công ty dược nước ngoài thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu thuốc (cả trong và ngoài nước- PV), tạo khả năng tiếp cận thông tin về thuốc ngoại cho các cán bộ y tế...
Nhức nhối chuyện “hoa hồng” kê toa
Còn một vấn đề “tế nhị” khiến các bác sĩ không mặn mà với thuốc nội là tình trạng bác sĩ thích kê thuốc ngoại vì được trích hoa hồng cao hơn thuốc nội. Giám đốc của một công ty dược trong nước chia sẻ: “Xét về chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ thì doanh nghiệp nội quả thực “lép vế” so với doanh nghiệp nước ngoài. Không chỉ riêng việc chiết khấu với tỷ lệ phần trăm cao hơn hẳn thuốc nội, các công ty nước ngoài còn sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn USD để mời các bác sĩ, thậm chí là cả gia đình họ, đi hội thảo ở nước ngoài nhưng thực ra là đi tham quan du lịch”.
Tại Diễn đàn Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam tổ chức hôm 20/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “bật mí” rằng bà cũng từng đi hội thảo ở nước ngoài do doanh nghiệp dược mời.
“Nhưng sau lần đó, tôi không bao giờ đi nữa, gọi là hội thảo nhưng thực ra là đi tham quan du dịch, đi shoping. Mỗi chuyến đi ấy thử hỏi hết bao nhiêu tiền trong khi những hoạt động đó đều ảnh hưởng đến giá thuốc”, bà Tiến nói.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ có một buổi làm việc với doanh nghiệp dược về vấn đề quảng cáo, tổ chức các chuyến đi cho bác sĩ tại nước ngoài, đồng thời sẽ yêu cầu các lãnh đạo BV không được tham gia các chuyến đi nước ngoài do doanh nghiệp dược tổ chức nếu không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ quản lý...
Cũng tại diễn đàn này, đại diện các BV cũng tỏ rõ thái độ bàng quan với việc làm thế nào nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong hệ thống điều trị. Mặc dù trong danh sách khách mời có tới hơn 100 đại diện các BV nhưng tới 15 giờ 14 phút thì số đại diện này còn trong hội trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay, Bộ trưởng Bộ Y tế “điểm danh” mãi thì cũng chỉ có đại diện BV Xanh Pôn lên tiếng về việc có thể nâng mức tỷ lệ thuốc nội trong BV từ nay đến 2015 như thế nào. Vậy nên, diễn đàn thúc đẩy Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt do Bộ Y tế tổ chức hôm đó bỗng dưng lại trở thành sân chơi riêng của các doanh nghiệp dược trong nước, cho dù mục đích chính của diễn đàn này là nơi tăng cường sự kết nối giữa 3 bên là người dân, bác sĩ kê đơn và các nhà sản xuất thuốc.
Từ thực tế này cho thấy giữa hai ngành y và dược rõ ràng chưa có được một cách nhìn chung về chất lượng và sự cần thiết phải chung tay nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc nội. Vậy nên, tình trạng “ông chẳng, bà chuộc“ đến nay chưa được khắc phục, các doanh nghiệp dược “khăng khăng” là đã sản xuất được nhiều loại thuốc Generic, chất lượng tương đương thuốc ngoại, nhưng nhiều bác sĩ vẫn không hay biết, không những kê đơn thuốc Generic của ngoại mà còn kê đơn thuốc biệt dược cho người bệnh, khiến chi phí chữa bệnh bị đẩy lên cao. Ngược lại, các doanh nghiệp dược lại chưa thực sự chú ý cung cấp thông tin về chất lượng thuốc nội cho các bác sĩ, đó là chưa nói đến chuyện thuốc nội cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu điều trị nên càng tạo cớ cho nhiều bác sĩ duy trì “thói quen” kê đơn thuốc ngoại...
Phương Liên