Một thực tế đau lòng đã và đang diễn ra đó là Việt Nam có hàng ngàn cây DL quí hiếm nhưng thị trường hoạt động trong nước hoàn toàn bị đình trệ, trong khi nguồn DL nhập từ Trung quốc về chiếm tới 90%
“Là những dược sĩ chúng tôi cảm thấy hổ thẹn mỗi khi nhắc tới cây dược liệu (DL) Việt Nam vì không biết làm sao để thay đổi thực trạng hiện nay”. Ông Nguyễn Tiến Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex đã nói thay lời cho rất nhiều những giám đốc công ty sản xuất kinh doanh DL tại cuộc họp góp ý cho “đề án Tổ chức liên minh phát triển công nghiệp Dược liệu Việt Nam” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua.
Theo dược sĩ Nguyễn Tiến Hùng, tình trạng DL lộn xộn kéo dài từ nhiều năm nay khiến việc sử dụng thuốc Đông y của người bệnh hiện nay là “may nhờ, rủi chịu”.
Một thực tế đau lòng đã và đang diễn ra đó là Việt Nam có hàng ngàn cây DL quí hiếm nhưng thị trường hoạt động trong nước hoàn toàn bị đình trệ, kiểm soát bỏ ngỏ trong khi nguồn DL nhập từ Trung quốc về chiếm tới 90% trên thị trường thì không biết đâu mà lần! Củ hoài sơn bán cho các khoa Đông y bệnh viện hiện có giá 17.000 đ/kg thì 50% là củ mì, củ “cọc”. Tương tự không có chuyện củ sinh địa có giá 18.000 - 19.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Vũ Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Lộc bức xúc: “Cách đây 20 năm, sở dĩ các bài thuốc Đông y có tác dụng vì được dùng DL tốt, chứ không như bây giờ chỉ là DL rởm, DL rác mà thôi!”.
Theo lời ông Dũng, chính ông đã trực tiếp sang Trung Quốc đi “thực địa” tìm hiểu nguồn DL đang ào ào về Việt Nam có “mặt mũi” ra sao. Và ngay tại thành phố Bằng Tường, thành phố Ngọc Lâm… ông Dũng đã chứng kiến những dây chuyền chiết xuất DL cực kỳ tinh vi. Trong đó khách đặt hàng lại đa số là người Việt Nam. Điều đáng nói là sự “nhanh nhạy” của các ông chủ DL Trung Quốc sẵn sàng nhận lời với đối tác với nhiều loại giá.
Trong đó có những DL sau khi được chạy qua dây chuyền hiện đại này, hoạt chất bên trong đã được chiết sạch, nhưng bên ngoài rất khó phát hiện chỉ còn phần “vỏ”. Các loại DL này về Việt Nam được bán giảm giá tới 40-45% so với giá DL thực bán tại Trung Quốc.
Tại cuộc trao đổi góp ý kiến trên, một số sản phẩm sản xuất từ DL Việt Nam như thuốc chữa viêm gan B-C, thuốc chữa bỏng, thuốc giảm đau… được đưa ra giới thiệu nhưng chủ các sản phẩm trên cho biết do không được cấp visa của Bộ Y tế để lưu hành trên thị trường nên đều phải chuyển qua hình thức đăng ký Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như với sản phẩm thực phẩm chức năng.
DS Tiến Hùng trăn trở: Hiện ngay cả các khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện cũng không thể đưa DL bên ngoài vào vì lo sợ mua nhầm phải cây thuốc không đảm bảo. Mặt khác các công ty Đông dược trong nước cũng không đạt được điều kiện về GMP-WHO theo qui định của Bộ Y tế (tiêu chuẩn thực hành SX thuốc tốt theo tiêu chuẩn Y tế thế giới…) để đấu thầu đưa sản phẩm vào các bệnh viện. “Nhưng tới 90% DL trên thị trường là nhập khẩu mà đã không kiểm soát nổi thì Cục Quản lý dược đưa ra tiêu chí GMP-WHO làm gì cho các doanh nghiệp thêm tốn kém?” - ông Hùng đặt vấn đề.
“Đề án tổ chức Liên minh Phát triển Công nghiệp Dược liệu Việt Nam” với mục đích thiết lập lại trật tự trong sản xuất - kinh doanh phân phối lại thị trường DL tại Việt Nam, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp DL trong nước phát triển. Trong đó quan trọng tạo “đầu ra” bền vững cho các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống sản xuất, những yêu cầu mới đổi mới công tác quản lý DL.
Trong đó các sản phẩm trong chuỗi quản lý của liên minh được cấp thương hiệu “Dược liệu Việt” do Viện Nghiên cứu ứng dụng cây, con làm thuốc (IAM) thuộc VIMAMES, được tham gia một trong các chương trình Xúc tiến Thương mại, Truyền thông chuyên nghiệp…
“Một ngành công nghiệp DL thực sự không thể dựa trên nguồn nguyên liệu vàng thau lẫn lộn như hiện nay. Mô hình mới này sẽ giúp các doanh nghiệp DL trong nước thoát khỏi cảnh buôn bán vô tổ chức, còn người dân ta có nguồn thuốc Đông y chữa bệnh có chất lượng” - ông Tạ Ngọc Dũng - Tổng thư ký TW Hội DL Việt Nam VIMAMES nói đầy hy vọng.
Theo Huyền Nga
CAND