Đã phát hiện gần 1.000 giấy chứng nhận giả để hưởng BHXH


Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam) cho biết, đang triển khai chấn chỉnh việc làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, bước đầu phát hiện 1.000 giấy chứng nhận nghỉ việc làm giả, photocopy màu, tẩy xóa.
 
Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam) - Ảnh: Chinhphu.vn
PV: Vừa qua Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, phải chăng thực trạng này đã đến lúc báo động, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam): Trong quá trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội ở một số địa phương đã phát hiện tình trạng làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và đã dừng không giải quyết, đồng thời thông báo với cơ quan Công an để điều tra, ngăn chặn.

Tuy nhiên, cuối năm 2011 và đầu năm 2012 tình trạng làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng trên phạm vi cả nước. Trong đó tập trung vào các thành phố lớn, khu công nghiệp và nhất là khu vực TP Hồ Chí Minh và vùng giáp ranh thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Tình trạng này đã đến lúc báo động việc một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội để lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội và gây bất ổn định trong sản xuất của các doanh nghiệp.

Nhiều hình thức gian lận "tinh vi"

PV: Vậy các hình thức làm giả, gian lận để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thường thấy hiện nay là như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Các hình thức làm giả, gian lận để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hiện nay rất đa dạng với nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất là các trường hợp: Làm giả hoàn toàn từ phôi mẫu giấy đến con dấu hoặc tẩy xóa nội dung sau đó photocopy màu các loại giấy trên; hoặc tẩy xóa chữa tăng thời gian nghỉ trong giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đã được cơ sở y tế cấp.

Có trường hợp giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, giấy chứng sinh do một số ít cơ sở y tế tổ chức cấp khống (có đầy đủ chữ ký, dấu).

Những giấy tờ trên được thực hiện và tổ chức mua bán chủ yếu tại các hiệu thuốc tây của tư nhân.

Ngoài ra, một số đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn, làm ăn kém hiệu quả, không có đủ việc làm… người sử dụng lao động, người lao động, cơ sở y tế thống nhất cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để thanh toán tiền trợ cấp ốm đau nhằm tăng thêm thu nhập.

Đặc biệt, có trường hợp thành lập Công ty để chỉ hợp đồng tuyển lao động nữ đã có thai nhưng thực tế không làm việc (có đăng ký đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ) đến khi đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng theo quy định thì sinh con và được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội chia nhau (do số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội và số tiền trợ cấp hưởng chế độ chênh lệnh nhau nhiều).

Gây thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội

PV: Những hành vi nói trên ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Những hành vi vi phạm pháp luật trên sẽ dẫn đến việc thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, làm tăng khối lượng công việc của đơn vị sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do phải tập trung rà soát, kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ. Bên cạnh đó, sẽ gây ra bất công trong quyền lợi về hưởng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, những hành vi vi phạm này cũng sẽ tác động không tốt đến vấn đề quản lý trật tự xã hội và tình hình ổn định, điều hành sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong việc bố trí, sử dụng lao động.

PV: Vừa qua, một số địa phương đã thông tin một số kết quả xử lý sai phạm về bảo hiểm xã hội, như vậy địa phương và ngành bảo hiểm xã hội đã vào cuộc sau chỉ đạo Chính phủ? Và kết quả bước đầu ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Theo báo cáo sơ bộ, sau khi có văn bản của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo ngay các sở, ban, ngành ở địa phương theo chức năng triển khai thực hiện để ngăn chặn, triệt phá tình trạng làm giả, mua bán các giấy tờ liên quan đến hưởng bảo hiểm xã hội và xử lý theo quy định của pháp luật đối với cá nhân, tập thể có vi phạm.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai ngay những nội dung nghiệp vụ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc xác định, xử lý sai phạm.

Kết quả bước đầu đã phát hiện tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai gần 1.000 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội làm giả, photocopy màu, tẩy xóa.

Hiện nay, những hồ sơ này đã dừng không giải quyết và thu hồi tiền trợ cấp trả vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Giải pháp đồng bộ để chấm dứt vi phạm

PV: Để chấn chỉnh, tiến đến chấm dứt tình trạng mua bán, gian lận để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, theo ông biện pháp cần thiết hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Hùng Cường: Cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để chấm dứt tình trạng này. Trước hết là cơ quan Công an tiến hành điều tra, làm rõ, triệt phá và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc cấp, quản lý, làm giả, mua bán các giấy tờ khác liên quan đến hưởng bảo hiểm xã hội để trục lợi bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, các đơn vị sử dụng lao động khi giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, phát hiện các giấy tờ trong hồ sơ chưa đúng quy định, làm giả; cơ quan bảo hiểm xã hội khi thẩm định, quyết toán chế độ ốm đau, thai sản phải thực hiện kiểm tra, rà soát kỹ các giấy tờ trong hồ sơ hưởng. Khi phát hiện các giấy tờ không đúng quy định thì chưa giải quyết và báo cáo cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra, kết luận.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, chi trả chế độ chế độ ốm đau, thai sản ở các đơn vị sử dụng lao động.

UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế trong việc cấp giấy tờ liên quan đến việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và triển khai chương trình phối hợp công nghệ thông tin giữa cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội để phát hiện các trường hợp cấp giấy tờ liên quan không đúng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!