Một trong các nguyên nhân khiến bác sĩ thích kê đơn “vung tay quá trán” là do được ăn chia hoa hồng từ các công ty dược.
Tình trạng lạm dụng thuốc, kê nhiều loại thuốc trong một đơn không chỉ diễn ra tại nhiều phòng khám tư mà còn phổ biến ở nhiều bệnh viện công lập tại nước ta. Trong không ít đơn thuốc, bác sĩ cứ thoải mái, phóng tay kê thuốc kháng sinh, mặc cho có một nửa trong số này không hề phục vụ cho công tác chữa bệnh. Việc loạn kê đơn thuốc trong thời gian qua không chỉ gây thiệt hại về vật chất, tạo độ nhờn thuốc mà còn khiến người bệnh bức xúc.
Sổ mũi cũng mất tiền triệu
Anh Trần Tuấn Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường bị đau họng, ho khan do thay đổi thời tiết. Một lần bị bệnh, anh Tuấn Anh đến phòng khám tư trên đường Nguyễn Trãi khám với giá niêm yết là 70.000 đồng/lượt. Sau một vài câu hỏi qua loa tình trạng bệnh, bác sỹ viết tờ phiếu chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu để chẩn đoán, bao gồm nội soi tai mũi họng, xét nghiệm công thức máu, nước tiểu, Aslo, RF, chụp X- quang tim phổi.
Cầm tờ phiếu xuống thanh toán, anh Tuấn Anh vô cùng kinh ngạc khi số tiền khám, làm các xét nghiệm lên đến gần 500.000 đồng. Kết quả sau hàng loạt xét nghiệm, anh Tuấn Anh được chẩn đoán là bị viêm họng cấp, ngoài ra không có vấn đề gì khác. Đặc biệt là anh Tuấn Anh còn phải chi hơn 400 ngàn đồng để mua thuốc theo đơn mà bác sỹ ở đây kê.
Anh Tuấn Anh bức cho biết: “Bệnh của tôi vào loại thường gặp, không khó điều trị. Trước đó, tôi cũng bị một vài lần, chỉ cần ra hiệu thuốc hỏi han, nghe tư vấn, mua thuốc về uống cũng khỏi. Lần này, với suy nghĩ muốn điều trị dứt điểm, tôi mới tìm đến phòng khám. Nào ngờ, họ kê đến 6-7 loại thuốc (thuốc bổ có, kháng sinh có) mà bệnh tình cũng chẳng đâu vào đâu”.
Chị Lê Thu Hằng, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Cậu con trai gần 5 tuổi của tôi mới đây cũng bị viêm họng, sổ mũi. Tôi cũng cho con đến thăm khám khám ở phòng khám tư trên đường Giải Phóng. Mặc dù giá khám chỉ có 120.000đồng/lượt nhưng tiền chi để mua thuốc thì cao ngất ngưởng. Trong đơn, bác sỹ kê đến 6 loại thuốc và giá phải trả là gần 600 ngàn đồng. Khi tôi thắc mắc là sao lại đắt như vậy, bác sỹ nói rằng vì đây toàn là thuốc ngoại, thuốc tốt nên mới có giá cao. Tiền nào thì của nấy”. Hỏi nhiều người chị Hằng mới biết, đây chỉ là các thủ thuật của bác sỹ mà thôi. Họ kê loại thuốc nào là đều có thỏa thuận ăn chia với các công ty dược cung cấp loại thuốc đó từ trước. Mặt khác, với bệnh tình nhẹ như con của chị thì chưa đến mức phải dùng kháng sinh liều cao như bác sỹ cơ phòng khám trên kê. Nếu uống với thời gian dài còn dễ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, về sau sẽ rất khó điều trị.
Theo phản ánh của rất nhiều người bệnh, tại các bệnh viện công, tình trạng loạn kê đơn thuốc cũng diễn ra như cơm bữa. Sau khi khám bệnh, họ sẽ viết hàng loạt phiếu xét nghiệm buộc bệnh nhân phải đi xét nghiệm theo chỉ định. Khi có kết quả, bác sỹ kê đơn thuốc với một danh sách dài. Ít có đơn thuốc nào chỉ có một đến hai loại. Đơn thuốc ít tiền cũng khoảng vài trăm ngàn đồng, cao hơn thì lên đến 1-3 triệu đồng cho những bệnh thông thường.
Đơn thuốc phụ thuộc vào hoa hồng
Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, người bệnh không chỉ mệt mỏi với việc phải chờ đợi, chen lấn để làm đủ các xét nghiệm mà còn cảm thấy bức xúc khi bước ra khỏi phòng khám với các toa thuốc lên đến mấy trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng. Không mua, hoặc bớt xén bất kỳ một loại thuốc nào trong đơn thì không yên tâm mà “cắn răng” mua hết thì lấy đâu ra tiền, nhất là đối với những bệnh nhân nghèo. Người có chút kiến thức chuyên môn về dược, nhìn qua cũng biết đó là những toa thuốc ngoại có giá đắt gấp nhiều lần so với thuốc nội có cùng hoạt chất, cùng với đó là thuốc bổ, thậm chí là thực phẩm chức năng, hay sữa tắm, nước rửa tay của một hãng nhất định nào đó. Điều lạ là, có những loại thuốc bác sỹ kê, bệnh nhân chỉ có thể mua ở nhà thuốc của bệnh viện, do bác sỹ giới thiệu, hoặc mua thuốc do chính bác sỹ đó bán (tất nhiên với giá cắt cổ), còn không thể tìm được ở bất kỳ nơi nào bên ngoài.
Được biết, trên thực tế, đội ngũ bác sỹ, đặc biệt là các bác sỹ lâu năm, có kinh nghiệm liên tục được các hãng dược phẩm săn đón, chăm sóc từng li từng tí. Và tất nhiên, phần hoa hồng dành cho bác sỹ cũng không phải là nhỏ, tùy thuộc vào vị trí, chuyên môn và đặc biệt là số lượng đơn thuốc cũng như các loại thuốc được kê. Thế mới có chuyện, một số bác sỹ chỉ kê một loại thuốc cho tất cả các bệnh nhân có bệnh đó. Trong khi, bệnh nhân hoàn toàn có thể dùng thuốc khác, thậm chí là thuốc nội, rẻ tiền nhưng cũng có hiệu quả tương đương.
Không chỉ ưu tiên kê toa những loại thuốc mình được nhận hoa hồng, nhiều bác sỹ còn “bắt” bệnh nhân phải mua thuốc tại các nhà thuốc “thân quen” của mình. Ví như kê toa, yêu cầu ra nhà thuốc mua rồi mới quay lại hướng dẫn sử dụng. Thế mới biết, việc kê đơn của bác sỹ không chỉ tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân mà phụ thuộc rất lớn vào các hãng dược hay cửa hàng thuốc?!
Để ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực khi bác sỹ “bắt tay”, nhận hoa hồng từ các hãng thuốc, ngay từ năm 2003, Bộ Y tế đã có quy định: “Khi kê toa, phải viết tên thuốc theo tên quốc tế (tên chất trị liệu chứa trong thuốc) với thuốc có một thành phần”. Tuy nhiên, đến nay, ngay cả các bác sỹ ở bệnh viện TW, chứ chưa nói đến các cơ sở tư nhân, đều ít khi thực hiện quy định này. Hầu hết, họ đều kê thẳng tên thương mại của thuốc. Một số bệnh viện đã cấm bác sỹ tiếp trình dược viên trong phòng. Tuy nhiên, việc cấm này cũng không mấy hiệu quả vì việc “bắt tay” có thể diễn ra bất cứ nơi đâu. Vì mất niềm tin với việc khám, kê đơn của bác sỹ mà không ít bệnh nhân nghèo thường có thói quen tự ra các hiệu để mua thuốc về sử dụng. Theo đánh giá của các bác sỹ, thói quen này là vô cùng nguy hiểm.