Tìm thuốc ngừa HIV không dễ


Đầu tháng 5.2012, thuốc ngừa HIV/AIDS đầu tiên Truvada do công ty dược Gilead Sciences sản xuất được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chấp thuận sử dụng phòng ngừa căn bệnh được xem là đại dịch thế kỷ. Thế nhưng đến ngày 11.6.2012, FDA thông báo hoãn quyết định cho phép dùng Truvada làm thuốc ngừa HIV theo kiểu “phòng ngừa trước tiếp xúc” (preexposure prophylaxis, viết tắt PrEP) cho đến khi việc đánh giá nguy cơ và độ an toàn sử dụng thuốc có kết quả rõ ràng.
FDA nhấn mạnh thuốc Truvada phải sử dụng kèm các biện pháp phòng tránh HIV toàn diện khác, như sử dụng bao cao su và thường xuyên kiểm tra xét nghiệm HIV. Ảnh: Boston Globe
Thuốc dùng như PrEP, nghĩa là phải có tác dụng ngừa lây nhiễm HIV ngay trước khi đương sự tiếp xúc điều kiện lây nhiễm (dùng trước khi quan hệ tình dục và có xét nghiệm không bị nhiễm HIV). Ngày 16.7.2012, trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) thông báo những hạn chế và các tuân thủ nếu muốn một thuốc như PrEP: không thích hợp với mọi người, chỉ dành cho những người có nguy cơ cao và dùng thuốc như biện pháp phòng ngừa hỗ trợ; dùng PrEP phải đúng khuyến cáo (dùng hàng ngày); không phải biện pháp phòng ngừa duy nhất, tức vẫn nên dùng thêm bao cao su và thường theo dõi có bị mắc các bệnh lây qua đường tình dục (STD) khác không vì PrEP không ngừa được STD; thường xuyên xét nghiệm để chắc không bị nhiễm HIV, cũng như theo dõi tác dụng phụ có hại của PrEP.
Như vậy, cho tới nay vẫn chưa có thuốc nào hoàn hảo để dùng một mình mà phòng ngừa được HIV theo kiểu “medical condom” (dùng thuốc ngừa hiệu quả như dùng bao cao su). Truvada được FDA thông qua làm thuốc ngừa HIV, chỉ vì mục đích nhằm giảm số người lây nhiễm HIV mới ở Mỹ (hiện khoảng 50.000 người và Mỹ muốn giảm còn 37.500 người/năm vào năm 2015). Dù vậy, Truvada vẫn cần đánh giá lại để chứng minh có thật sự ngừa HIV như người ta kỳ vọng không.
HIV là virút – một loại mầm bệnh có cấu trúc rất khác và đơn giản hơn vi khuẩn. Chúng được gọi là “phi tế bào”, phải sống ký sinh trong tế bào ký chủ xâm nhiễm. Virút có cấu trúc chỉ là bộ gen (hoặc DNA hoặc RNA), bao quanh là lớp vỏ protein. Riêng HIV có bộ RNA, gọi là retrovirus vì chúng phải biến RNA thành DNA nhờ một men (enzyme) tự tiết ra, có tên “men phiên mã ngược” (reverse transcriptase). Chính vì phi tế bào, phải phát triển bên trong tế bào con người nên hầu hết kháng sinh không thấm và không có tác dụng với virút. Muốn trị virút phải dùng thuốc kháng virút. Tuy nhiên, cấu trúc virút có thể thay đổi. Vào lúc này nó là “đích tác dụng” với một số thuốc kháng virút, nhưng vào lúc khác lại thay đổi và không còn là “đích tác dụng” của các thuốc đó nữa – mà ta gọi là sự đề kháng thuốc. Khó trị là vì thế!
Thuốc dùng trị HIV gọi là thuốc kháng retrovirus (antiretrovirus, viết tắt ARV), tác động vào hai enzyme phiên mã ngược và enzyme phân giải đạm (protease) để HIV không sáp nhập bộ gen vào trong tế bào bạch cầu CD4, phát triển rồi nhân lên thành nhiều virút. Hai nhóm thuốc điều trị HIV/AIDS đang dùng là thuốc ức chế enzyme ephiên mã ngược và thuốc ức chế protease. Phác đồ điều trị bệnh AIDS hiện nay phối hợp ba thuốc, gọi là “trị liệu bộ ba” gồm hai thuốc ức chế men phiên mã ngược phối hợp với một thuốc ức chế protease. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc bộ ba chỉ kéo dài thời gian sống của người bệnh chứ không chữa khỏi hoàn toàn.
Trở lại với Truvada, thuốc này được công nhận thuốc ngừa nhưng thật ra ban đầu là thuốc chữa HIV/AIDS, được phép lưu hành từ năm 2004. Truvada chứa tenofovir và emtricitabine, đều là thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược. FDA chấp thuận Truvada dùng kết hợp với một thuốc khác là efavirenz tạo thành thuốc bộ ba để chữa cho người nhiễm HIV. Sau này nhờ tiến hành ba thử nghiệm lâm sàng lớn mà Truvada được công nhận làm thuốc ngừa HIV.
Để tìm ra thuốc ngừa HIV đúng nghĩa (tức vắcxin) rất khó khăn, đến nay vẫn chưa có tiến triển gì. Nguyên tắc bào chế vắcxin là dùng mầm bệnh (chết hoặc sống), làm cho hết độc, hoặc một phần mầm bệnh (như dùng lớp vỏ bao bọc protein của virus) rồi dùng kỹ thuật tái tổ hợp DNA của công nghệ sinh học bắt vi sinh vật (như tế bào nấm men hoặc vi khuẩn E. coli) để sản xuất ra vắcxin. Như vậy, thực chất trong vắcxin có chứa mầm bệnh hoặc một phần mầm bệnh để khi đưa vào cơ thể, cơ thể nhận diện được mầm bệnh đó và tổng hợp kháng thể đặc hiệu, chờ khi nhiễm mầm bệnh thật, có sẵn kháng thể tiêu diệt mầm bệnh. Điều kiện bắt buộc là mầm bệnh thật khi bị nhiễm không thay đổi so với mầm bệnh dùng làm vắcxin. Nếu mầm bệnh thật thay đổi hình dạng thì vắcxin sẽ không còn hiệu quả. Trong khi đó, virút nói chung, đặc biệt là HIV rất “xảo quyệt”, chúng thường xuyên biến đổi cấu trúc hình dạng, biến đổi các kháng nguyên của lớp vỏ bao bọc protein, nên vắcxin khó đáp ứng các biến đổi đó để có tác dụng tốt.
Truvada không phải là vắcxin mà là thuốc trị, đưa vào cơ thể khi chưa nhiễm, để chờ sẵn lúc HIV xâm nhiễm thì phát huy tác dụng ngăn chặn sự sinh sôi, tương tự như thuốc ngừa. Khi đó, cơ thể không có kháng thể mà có thuốc đảm nhận vai trò của kháng thể để chống lại sự xâm nhiễm, giống như người ta dùng kháng sinh để ngừa bệnh dịch tả hay dùng thuốc kháng sốt rét để ngừa bệnh sốt rét. Tuy nhiên, HIV khác hẳn vi khuẩn gây dịch tả hay ký sinh trùng gây sốt rét, vì thế Truvada vẫn còn khiếm khuyết để được xem là thuốc ngừa HIV đúng nghĩa.
Trong khi chưa thể tìm ra thuốc ngừa HIV hữu hiệu, cách phòng ngừa HIV tốt nhất vẫn là “thủy chung một vợ một chồng” và “dùng bao cao su đúng cách trong bất cứ tình huống có nguy cơ”.
PGS.TS. DS Nguyễn Hữu Đức
Giảng viên chính
bộ môn dược, đại học
Y dược TP.HCM