“Độn” chất cấm vào thực phẩm sẽ bị truy tố


http://media.tinmoi.vn//2012/07/25/46_7_1343193874_52_best_20120725-090106-1-ATVSTP.jpeg
Hành vi độn hóa chất vào thực phẩm sẽ bị xem xét truy tố
Bế tắc trong xử lý thực phẩm “bẩn”
Trong khoảng một năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường đã phanh phui hàng loạt các vụ, việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATVSTP. Có thể kể đến các vụ mới đây như: phát hiện cơ sở sản xuất tương ớt ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), “độn” Rhodamine B hàm lượng cao - hóa chất độc hại dùng trong ngành công nghiệp nhuộm vải, để tăng màu cho sản phẩm; sibutramine - phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm (chất làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giãn mạch) vào cà phê giảm cân, gây ức chế thần kinh trung ương, khiến người uống có cảm giác no, không muốn ăn…
Theo đánh giá của Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường - Bộ Công an, đây đều là những vi phạm nghiêm trọng, tuy nhiên mức xử lý hiện nay với các vi phạm này chỉ là xử phạt vi phạm hành chính. Đại diện cục nghiệp vụ cho hay: Đơn vị từng bắt quả tang một cơ sở cho hàn the vào giò chả, với lượng sản phẩm lên đến 8 tấn. Chỉ tính riêng tiền lưu kho, thuê tiêu hủy số thực phẩm “bẩn” trên đã mất 50 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, chỉ có thể xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm 5 triệu đồng. “Mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận của cơ sở, không có tính răn đe” - Đại tá Trần Trọng Bình cho biết.
Hay như vụ Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội, phát hiện hàng tấn thịt lợn ốm, chết nhiễm bệnh tai xanh được dùng để chế biến thành ruốc, mắm tép, bán cho người tiêu dùng, hồi tháng 6-2012 vừa qua. Những đối tượng liên quan ban đầu được nhận định, có dấu hiệu phạm vào tội: “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực phẩm”, song đến nay, kết quả điều tra đang rất bế tắc. Để có căn cứ xử phạt hành chính chủ cơ sở chế biến mắm tép, ruốc, làm từ thịt lợn ốm, chết do mắc bệnh tai xanh, cơ quan công an phải trưng cầu giám định sản phẩm, xem trong đó có lượng kháng sinh tồn dư dùng trong phòng ngừa và điều trị bệnh lợn tai xanh hay không… Bất cập ở chỗ, phí tổn đơn vị chuyên trách phân tích ATVSTP, “đòi” cơ quan công an nộp để làm xét nghiệm lên đến gần 20 triệu đồng, trong khi nếu có xử phạt, khung trần cho vi phạm này chỉ khoảng 40-50 triệu đồng.
Sẽ có danh mục chất phụ gia cấm sử dụng
Hiện nay, theo luật định, muốn khởi tố, bắt đối tượng “độn” các chất độc hại trong thực phẩm, thì hành vi họ gây ra phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức là phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt. Ai cũng hiểu những chất tồn dư trong thực phẩm không thể làm chết người ngay, mà sẽ gây tác hại lâu dài, các bệnh hiểm nghèo cho nhiều người sử dụng. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định, đây chính là nguyên nhân tại sao nhiều năm nay, không có vụ việc vi phạm ATVSTP nào bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vụ việc bị phanh phui.
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đối tượng có hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, Thượng tá Nguyễn Việt Tiến - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội nói: Đành rằng khó xác định hành vi “Gây hậu quả nghiêm trọng” trong các vi phạm về ATVSTP, nhưng quan điểm của cơ quan công an vẫn phải xử lý hình sự các đối tượng này. Tuy vậy, điều kiện cần là Bộ Y tế phải ban hành quy định về danh mục các chất cấm, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Bộ luật Hình sự hiện quy định tội danh “Buôn bán hàng cấm”, do vậy, nếu Bộ Y tế ban hành danh mục này, cơ quan công an sẽ truy tố được những người “độn” chất cấm, “đầu độc” người dân. Đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội dẫn chứng: Bộ NN&PTNT từng cho  ban hành quyết định cấm sử dụng nhiều loại thuốc trong bảo vệ thực vật. Điều này có nghĩa, người nào cố tình mua bán, sử dụng thuốc trừ sâu cấm sử dụng có thể bị truy tố. Thế nhưng trong lĩnh vực ATVSTP, liên quan đến con người, Bộ Y tế lại khá chậm trễ. Hơn ai hết, bộ chuyên ngành hiểu rõ những loại hóa chất công nghiệp như: rhodamine B, hàn the, formaldehyde… đi vào cơ thể sẽ nguy hiểm cho con người thế nào, nhưng bao năm nay, cơ quan này không ban hành danh mục chất cấm sử dụng.
Sau nhiều lần gửi kiến nghị về những kẽ hở trong xử lý vi phạm về ATVSTP, đến các bộ, ban, ngành liên quan đều không hiệu quả, ngày 26-4 vừa qua, tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường - Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành quyết định các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Ngày 14-5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng, trong đó yêu cầu Bộ Y tế, trong năm 2012 phải ban hành thông tư về “danh mục các chất phụ gia cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm”. “Nếu văn bản trên ra đời đúng thời hạn, chắc chắn lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ đẩy lùi được những vi phạm về ATVSTP, liên quan đến sử dụng chất cấm” - đại diện phòng nghiệp vụ khẳng định.


Nguồn : giaoduc.net.vn