Loài gừng mới ở Việt Nam


Các nhà khoa học vừa công bố loài gừng mới thuộc chi gừng đen - loài đặc hữu của Việt Nam.
Cụm hoa Distichochlamys benenica Q.B. Nguyen & Škorničk. Ảnh do tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình cung cấp.
Loài gừng mới có tên Distichochlamys benenica Q.B. Nguyen & Škorničk. Nhóm nhà khoa học Việt Nam và Singapore tìm thấy chúng ở Vườn quốc gia Bến En, Thanh Hóa hồi tháng 4 năm ngoái. Sau khi đánh giá nghiên cứu về đặc điểm hình thái và gene, nhóm khoa học mới công bố tên loài.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, thành viên nhóm nghiên cứu nói: "Đây là loài gừng thứ 4 thuộc chi gừng đen Distichochlamys ở Việt Nam".
Trước đó, một loài gừng thuộc chi gừng đen được phát hiện ở Vườn quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế năm 1995; loài thứ hai ở An Khê, Gia Lai năm 2001 và loài thứ ba công bố năm 2003 tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.
Tiến sĩ Bình cho biết, loài gừng ở Thanh Hóa có đặc điểm khác biệt so với 3 loài từng công bố trên là các lá bắc xếp sít nhau, cánh môi có một dải rộng màu hồng ở phía giữa gốc. Mẫu chuẩn (Holotypus) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
"Chi gừng đen cho đến nay được coi là chi đặc hữu của Việt Nam cho đến nay, vì giới khoa học chưa tìm thấy ở bất cứ nước nào, kể cả nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Campuchia", ông Bình nhấn mạnh.
Họ Gừng (Zingiberaceae) gồm những cây thân thảo với nhiều giá trị làm thuốc, làm gia vị. Cho đến nay, họ Gừng ở Việt Nam được biết có hơn 140 loài thuộc 20 chi.
Nguồn : vnexpress.net