NDĐT - Đó là thông tin được PGS. TS Lê Ngọc Thành, Giám Đốc Trung Tâm Tim Mạch – Bệnh viện E cho biết tại buổi gặp gỡ “Giao lưu thầy thuốc và bệnh nhân” sáng 24- 7. Để điều trị hiệu quả và an toàn, người bệnh cần theo dõi INR (chỉ số bình thường hóa quốc tế về đông máu) thường xuyên, tốt nhất hàng tuần.
Với mô hình Đơn vị kiểm soát đông máu của Trung tâm Tim Mạch cùng với việc người bệnh nhân tự theo dõi INR tại nhà (bằng thiết bị chuyên dụng), có vai trò rất lớn để phát huy tối đa sự an toàn của liệu pháp chống đông so với kiểu theo dõi thường quy (người bệnh đến phòng xét nghiệm hàng tháng để thử INR), đồng thời giúp giảm chi phí điều trị biến chứng.
Các bác sĩ tim mạch cho biết, thời gian gần đây, việc sử dụng thuốc chống đông đường uống hay thuốc kháng Vitamin K tăng lên đáng kể, chủ yếu ở người lớn tuổi. Hàng triệu người bệnh đang dùng thuốc chống đông đường uống do các bệnh lý như rung nhĩ, thay van tim cơ học, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Thuốc chống đông đường uống rất hiệu quả trong phòng ngừa hình thành cục máu đông, nên có tác dụng bảo vệ người bệnh khỏi nguy cơ bị đột quỵ, nhưng nếu dùng liều thuốc quá cao sẽ gây xuất huyết.
Điều trị kháng đông có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như chế độ ăn, mức độ hoạt động thể lực, thuốc điều trị và các bệnh lý khác như cảm cúm. Vì vậy, bệnh nhân cần được xét nghiệm máu (đặc biệt là mức INR trong máu) thường xuyên để bảo đảm việc điều trị đúng hướng. Nhiều kết quả nghiên cứu tại các phòng khám đông máu, trung tâm chuyên khoa chống đông ở các nước, cho thấy giảm 59% biến cố xuất huyết nặng và giảm 68% biến cố huyết khối khi so với chăm sóc thông thường.
HOÀNG MINH